Theo ông Hoàng, thực chất khối tài sản của ông có giá gần 200 tỷ, nhưng ông chỉ thực nhận 25 tỷ, nghĩa là đã bị lừa “bán” với giá rẻ mạt 9-10 lần so với giá trị trường.
Như PLVN đã phản ánh, Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại TP HCM và Đồng Nai, trong những người bị tố cáo có bà Trần Uyên Phương và bà Trần Ngọc Bích, hai con gái ông Trần Quý Thanh (ông chủ Cty THP).
Theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 20/QĐ-VPCQCSĐT-P4 ngày 9/3/2021, một số DN, cá nhân tố cáo bà Phương, bà Bích... đã thực hiện hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là “các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn”. Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã tiến hành kiểm tra, xác minh các đơn tố giác trên và “sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS”, quyết định khởi tố vụ án.
Một trong số các cá nhân có đơn tố cáo THP cho vay tiền, bắt người vay phải ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng đất, sau đó chiếm đoạt luôn tài sản là ông Lâm Sơn Hoàng (SN 1960, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM).
Giao dịch vay tiền “núp bóng” chuyển nhượng đất?
Theo đơn tố cáo gửi C01, ông Hoàng và người cháu đứng tên bốn thửa đất tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức), tổng diện tích 3.339m2.
Giao dịch vay tiền... |
Người vay bị lãnh đạo THP mạt sát, chửi bới?
Theo những người tố cáo THP, “luật” ở Cty này là những người đến vay tiền đều bị kiểm tra tư trang, “tạm giữ” điện thoại ở ngoài để tránh bị ghi hình, ghi âm. Tuy nhiên, ông Hoàng cho hay đã tìm cách ghi âm lại cuộc nói chuyện cuối với một lãnh đạo THP, để cung cấp cho CQĐT cùng đơn tố cáo và các văn bản hồ sơ giấy tờ:
(Giọng người đàn ông): Giờ mất mẹ rồi còn đâu mà nói chuyện gì nữa. Cho 3 tháng rồi 5 tháng cũng chả làm ra trò trống gì hết.
“Đâu anh, cái lần hôm thứ Năm em chuẩn bị xong rồi”.
(Giọng người đàn ông): Xong rồi sao thứ Bảy, Chủ nhật không chuyển tiền vào đi?”.
“Nhưng rồi một cái khách hàng họ mua của em, họ không đồng ý cái đó”.
(Giọng người đàn ông): Tôi nói ông á, (chửi thề) ông nói chuyện là… đừng có lừa đảo.
“Em lừa đảo gì anh?”.
(Giọng người đàn ông): Tôi bảo ông chuyển tiền vô, xong rồi á, tụi tui bán lại cho ông, ngay lập tức, trước sau mấy tiếng đồng hồ chứ gì đâu.
“Em đã đồng ý là cái chuyện nếu sẵn sàng ký kết...
(Giọng người đàn ông): Tui chả ký cho ai hết, không có tiền mà ký chó gì.
“Ký mà anh giữ lại, em có lấy gì đâu”.
(Giọng người đàn ông): Tui nói ông á, (chửi thề) ông nhiều vấn đề lắm. Thì ông cứ chuyển tiền vô, rồi tui bán lại cho ông.
“Hôm trước em lên mới biết quy trình như thế”.
(Giọng người đàn ông): Đơn giản thế, con nít cũng biết chứ gì. Ông nói hồi tui chửi cha bây giờ đó.
“Gì kỳ vậy anh?”.
Giọng người đàn ông hét lên không nghe rõ. Ồn ào, sau đó tiếng một phụ nữ nói “thôi thôi”.
“Em cầm cho anh giờ em lấy lại”.
Giọng người đàn ông la một tiếng không nghe rõ, sau đó chửi thề.
Tiếng người phụ nữ “Bố, thôi”.
Tiếng bước chân
(Giọng người đàn ông nói vọng theo): Đồ lừa đảo.
“Tháng 1/2019, do nhu cầu cần gấp vốn đầu tư bất động sản, thông qua sự môi giới của ông Nguyễn Hoàng Phú, GĐ Cty TNHH Vàng Xuân (ông Phú cũng chính là người bị Cty Kim Oanh Đồng Nai tố là “cò” cho vay dẫn mối đến gặp THP như PLVN đã phản ánh trong số báo trước - NV), tôi được giới thiệu đến gặp đại diện THP để vay 115 tỷ đồng bằng cách “thế chấp” bốn thửa đất nêu trên, nhưng phải ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng”.
Để vay được 115 tỷ đồng thời hạn 6 tháng từ THP, ông Hoàng cho rằng phải có “hợp đồng trích thưởng” cho ông Phú 3 tỷ đồng (thực chất là tiền “cò” cho vay) và ông Phú “có trách nhiệm bảo đảm việc THP sẽ chuyển nhượng lại tài sản “thế chấp” cho người vay”.
“Tôi đến gặp lãnh đạo THP tại Văn phòng Cty Tân Hiệp Phát (219 đại lộ Bình Dương, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, Bình Dương). Vị này đồng ý nội dung tôi và “cò” Phú đã thỏa thuận trong “hợp đồng trích thưởng”, là khi tôi trả đủ tiền gốc và lãi thì sẽ được chuyển trả bốn thửa đất nhanh chóng, dễ dàng. Tôi rất tin tưởng vì THP là DN tài ba, đã xây dựng thương hiệu nước giải khát phát triển, được quảng cáo giá trị hàng tỷ USD, vươn tầm quốc tế”, đơn nêu.
Ông Hoàng cho biết vay của THP 115 tỷ lãi suất 3%/tháng, nếu chậm nộp hàng tháng sẽ bị phạt 4,5%/tháng. Ông phải thế chấp bốn thửa đất trên cho THP, nhưng phải ký hợp đồng giả cách mua bán với bà Trần Uyên Phương.
Số tiền vay 115 tỷ, ông Hoàng bị trừ ngay tiền lãi 3 tháng là 10,350 tỷ đồng và tiền “cò” 3 tỷ cho ông Phú, thực nhận 101,65 tỷ đồng.
Hợp đồng giả cách chuyển nhượng từ ông Hoàng sang bà Phương được ký kết vào ngày 8/1/2019 tại Văn phòng Công chứng Hoàng Xuân Ngụ TP HCM (là “mối ruột” của THP khi THP thường xuyên thực hiện các “giao dịch” tại đây).
Thời điểm này, khối tài sản ước tính có giá hơn 192 tỷ đồng (mỗi thửa đất là 48 tỷ đồng), nhưng ông Hoàng chỉ “thế chấp” vay 115 tỷ đồng, tức mỗi nền khoảng 29 tỷ đồng. Và trong hợp đồng “chuyển nhượng”, chỉ được “mua bán” với giá hơn 6 tỷ đồng. Cả bốn thửa đất đều được cập nhật đứng tên bà Phương.
Ông Hoàng cho rằng trả lãi đúng hạn hàng tháng. Sau 6 tháng, ông Hoàng được “cò” Phú dẫn đến gặp THP xin gia hạn. Từ tháng 1/2019 đến 3/2020, ông Hoàng đã trả tổng cộng 47,9 tỷ đồng tiền lãi vào tài khoản đứng tên Trần Quý Thanh tại PV Bank chi nhánh Sài Gòn.
“Từ tháng 3/2020, do dịch Covid-19, việc làm ăn, đầu tư của tôi bị ảnh hưởng, không đủ tiền trả lãi nên có xin THP cho chậm nộp lãi và không bị phạt 4,5%/tháng, nhưng THP không chịu. Đến tháng 8/2020, có người hỏi mua đất nên tôi gặp THP xin giảm lãi phạt, xin trả nợ theo từng sổ đỏ, lấy lại từng khu đất ra bán; nhưng THP chỉ đồng ý gia hạn đến 8/11/2020, không chấp nhận giảm lãi phạt, không chấp nhận trả theo từng thửa đất; mà phải trả một lần cả gốc lẫn lãi”, ông Hoàng cho hay.
Gây khó dễ đủ đường không cho chuộc lại tài sản?
Ngày 3/8/2020, sau khi tìm được người mua cả bốn khu đất, đồng ý trả tiền một cục, ông Hoàng đến THP “chốt” khoản nợ là 154 tỷ (115 tỷ tiền gốc, 39 tỷ tiền lãi).
Ông Hoàng đề nghị trình tự trả nợ, lấy lại tài sản như sau: Sau khi thống nhất nội dung, hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng trước sự chứng kiến của ngân hàng, công chứng viên. Bên THP giữ toàn bộ hợp đồng chưa đóng dấu công chứng và sổ đỏ; bên mua đất sẽ chuyển khoản; khi tài khoản bà Phương nhận đủ 154 tỷ thì THP chuyển giao hồ sơ chuyển nhượng cho bên mua và công chứng viên.
“Thế nhưng THP không chịu, đòi phải chuyển đủ tiền vào tài khoản do THP chỉ định hoặc của bà Phương thì bà Phương mới ký hợp đồng chuyển nhượng lại”.
“Người mua và ngân hàng không đồng ý yêu sách quá “chắc lép” như trên? Chúng tôi chỉ cần bà Phương ký hợp đồng chuyển nhượng trước mặt công chứng viên và ngân hàng, bà Phương vẫn giữ lại toàn bộ hợp đồng, hồ sơ; chờ ít phút tiền vào tài khoản là đưa hồ sơ. Nhưng THP vẫn nại ra lý do “như thế là mất thời gian” và “THP đã quy định “luật” như vậy””, ông Hoàng nêu trong đơn.
“Con nợ” quyết tâm xoay đủ 154 tỷ để trả THP. Ngày 11/11/2020, ông Hoàng cho rằng tìm đến THP để trả nợ, lấy lại đất, nhưng bất ngờ THP từ chối vì “đã quá hạn”.
...được “núp bóng” dưới Hợp đồng chuyển nhượng đất? |
“Không kịp để tôi giãi bày, lãnh đạo THP nói tôi là “đồ lừa đảo”. Khi tôi phản ứng thì người này chửi bới, nhục mạ, đòi đánh tôi”.
“Với diễn biến nêu trên, tôi nhận ra THP đã có ý đồ chiếm đoạt tài sản của tôi từ lâu, dù tôi đều thực hiện giao kết trả lãi – gốc đầy đủ. THP đã áp đặt quy trình thanh toán – hoàn trả tài sản một cách cực kỳ khó khăn, ngặt nghèo để tôi không thực hiện được. Tôi mắc nợ số tiền lớn, đang khó khăn tiền mặt, mà bắt tôi phải trả hết rồi mới ký thì ai dám mua lại đất của tôi đang cầm cố cho THP?”, ông Hoàng nêu.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trong các số báo sau.
Nhà riêng bà Phương hạ biển “Lãnh sự quán Sudan”
Như PLVN đã phản ánh, thời điểm bị tố cáo, tại ngôi nhà 3 tầng nơi bà Trần Uyên Phương đăng ký HKTT tại 194 đường Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh, TP HCM, cắm cờ Việt Nam và Sudan, trưng biển lớn “Lãnh sự quán Nước Cộng hòa Sudan – TP Ho Chi Minh – Consulate of the Republic of Sudan – Ho Chi Minh City”. Trên nóc nhà có các chảo và cột thu phát sóng vô tuyến.
Nơi bà Phương đăng ký HKTT đã hạ các bảng biển “lãnh sự quán”. |
Theo “Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993”: Trụ sở của cơ quan lãnh sự là bất khả xâm phạm: “viên chức lãnh sự được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể”; viên chức lãnh sự khi thực hiện chức năng của mình được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự”. Vì vậy, những người tố cáo e ngại bà Phương lợi dụng danh nghĩa là lãnh sự danh dự của Sudan để làm bình phong che chắn những hành vi phạm pháp.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao sau đó đã chính thức trả lời PLVN: Do đã hết thời hạn bổ nhiệm từ 31/7/2019 nên “bà Trần Uyên Phương không còn là lãnh sự danh dự của Sudan tại TP HCM”.
Ngay sau khi PLVN phản ánh sự việc, căn nhà nêu trên đã hạ các bảng biển “lãnh sự quán” và cờ Sudan.