Theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 20/QĐ-VPCQCSĐT-P4 ngày 9/3/2021 do Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan CSĐT, ký; trước đó Bộ Công an nhận được đơn tố giác tội phạm của một số DN, cá nhân tại phía Nam.
Những DN, cá nhân này tố cáo bà Trần Uyên Phương, bà Trần Ngọc Bích, ông Nguyễn Phi Long (ngụ quận 6, TP HCM) và một số cá nhân đã thực hiện hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là “các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn” tại TP HCM và tỉnh Đồng Nai.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an (Văn phòng Cơ quan CSĐT) đã tiến hành kiểm tra, xác minh các đơn tố giác tội phạm nêu trên. Quyết định nêu rõ “sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS”, Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án.
Được biết, vụ án này được Bộ Công an thụ lý xác minh vào cuối năm 2020, sau đó có Quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm số 33/QĐ-VPCQCSĐT ngày 9/11/2020 và số 35/QĐ-VPCQCSĐT ngày 11/12/2020.
Tân Hiệp Phát bị tố là DN “tín dụng đen”
Trước đó, như PLVN đã có một số bài viết phản ánh, một trong các nạn nhân của vụ án này là Cty CP Đầu tư & Phát triển Kim Oanh Đồng Nai (Cty Kim Oanh - đường Đồng Khởi, khu phố 3, phường Tam Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Theo đơn, cuối năm 2017, Cty Kim Oanh ký hợp đồng mua 100% cổ phần Cty CP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai do vợ chồng ông Phạm Hoàng Minh (nguyên Chủ tịch HĐQT) và bà Hồ Thị Diễm Trang đứng tên. Cty Minh Thành có một số tài sản, trong đó có dự án Khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước (dự án Minh Thành), diện tích hơn 56ha.
Theo thỏa thuận, sau khi trả đủ số tiền 530 tỷ mua 100% cổ phần thì Cty Kim Oanh sẽ trở thành chủ sở hữu của Cty Minh Thành, trong đó có dự án nêu trên.
Hai bên thỏa thuận số tiền mua cổ phần sẽ được thanh toán thành các đợt. Ngày 12/11/2019, hai bên lập biên bản xác nhận việc Cty Kim Oanh đã trả 265 tỷ mua cổ phần cho ông Minh, bà Trang và đã là chủ sở hữu 50% cổ phần của Cty Minh Thành.
Hai bên tiếp tục lập biên bản tái thỏa thuận vợ chồng ông Minh tiếp tục bán cho Cty Kim Oanh 50% cổ phần còn lại trong Cty Minh Thành với giá 265 tỷ. Cty Kim Oanh trả trước 115 tỷ, và từ thời điểm trả 115 tỷ này, Cty Kim Oanh là chủ sở hữu 100% cổ phần Cty Minh Thành.
Số tiền 150 tỷ còn lại chia làm hai đợt: Sau khi bên bán bàn giao đất, bên mua trả 50 tỷ. Với 100 tỷ cuối cùng, sau khi trừ đi tiền sử dụng đất và tiền thuế phải nộp cho Nhà nước, còn lại bao nhiêu bên mua sẽ trả nốt.
Quyết định khởi tố vụ án của Bộ Công an. |
Thời điểm cuối 2019, Cty Kim Oanh cho hay vì bị một số đối tượng cạnh tranh không lành mạnh, nên có những lúc khó khăn về tài chính, thiếu vốn, bí bách xoay xở tiền trả nốt vợ chồng ông Minh.
Theo đơn của Cty Kim Oanh: “Lúc này ông Nguyễn Hoàng Phú (HKTT 70 Trưng Trắc, phường 1, TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu; ngụ Thảo Điền, quận 2, TP HCM) xuất hiện, tự xưng là trợ lý của “đại gia” Trần Quý Thanh, cho biết Tân Hiệp Phát chuyên cho vay tiền với mức lãi suất 3%/tháng và ngỏ ý môi giới cho Cty Kim Oanh vay tiền. Phú bắt phải trả cho Phú 5% số tiền vay được là tiền “cò””.
Muốn vay tiền, phải ký hàng loạt hợp đồng giả cách?
Theo nạn nhân, sau đó ông Phú dắt đại diện Cty Kim Oanh đến gặp cha con ông Thanh. Nghe đề nghị muốn vay 350 tỷ, phía Tân Hiệp Phát đưa ra ba yêu cầu.
Thứ nhất, về lãi suất, là 3%/tháng (36%/năm, 10,5 tỷ/tháng) và ba tháng trả lãi một lần (31,5 tỷ đồng).
Thứ hai, Cty Kim Oanh phải “đi ngược thời gian”, tự sắp xếp với ông Minh bà Trang giả cách hủy bỏ các giao kết hai bên đã ký từ năm 2017. Rồi sau đó Cty Kim Oanh, vợ chồng ông Minh, bà Trang tiếp tục giả cách ký hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần Cty Minh Thành cho Tân Hiệp Phát.
Thứ ba, để Cty Kim Oanh khỏi lo ngại sẽ mất tài sản, Tân Hiệp Phát trấn an sẽ viết giấy “Cam kết bán lại”.
Theo cái gọi là “Cam kết bán lại”, Tân Hiệp Phát đưa ra nhiều mốc thời gian (mỗi mốc thời gian 3 tháng), cam kết sẽ “bán lại” cổ phần Cty Minh Thành cho Cty Kim Oanh. “Thực chất giấy “Cam kết bán lại” này để che giấu giao dịch cho vay lãi trái Bộ luật Dân sự, vừa để Tân Hiệp Phát giữ tài sản thế chấp, vừa “rửa” được khoản tiền lãi. Bên vay phải thế chấp tài sản, và khoản lãi được giả cách là “tiền đặt cọc để có quyền mua lại””, nạn nhân tố cáo.
Bên vay bị cấn trừ ngay tiền lãi 3 tháng đầu tiên khi nhận tiền vay. Sau ba tháng, “con nợ” phải trả tiếp 3 tháng tiền lãi (được giả cách gọi là “tiền đặt cọc” mua lại). Đến thời hạn trả lãi tiếp theo mà “con nợ” không có tiền chuộc tài sản thì mất “quyền mua lại tài sản” (mất tài sản) và mất cả “tiền đặt cọc” (tiền lãi).
Cụ thể, ngày 13/12/2019 khi cho vay 350 tỷ, Tân Hiệp Phát bắt bên vay ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng cổ phần Cty Minh Thành cho Tân Hiệp Phát. Tân Hiệp Phát cấn trừ ngay 31,5 tỷ tiền lãi 3 tháng đầu tiên (nên bên vay chỉ nhận được 318,5 tỷ). Tân Hiệp Phát lập “Cam kết bán lại” với điều khoản Cty Kim Oanh muốn “quyền mua lại” tài sản thì phải “đặt cọc” 31,5 tỷ vào ngày 13/2/2020 (thực chất là tiền lãi khoản vay 350 tỷ tính đến 13/5/2020)…
Tân Hiệp Phát sau đó chuyển 115 tỷ vào tài khoản vợ chồng ông Minh (thực chất là chuyển giúp cho Cty Kim Oanh trả nợ ông Minh, bà Trang), số tiền cho vay còn lại chuyển vào tài khoản Cty Kim Oanh (sau khi đã cấn trừ 3 tháng tiền lãi). Cty Kim Oanh còn phải trả 17,5 tỷ tiền “cò” cho ông Phú.
Biến hợp đồng giả cách thành thật, chiếm đoạt tài sản bên vay?
Như vậy, theo Biên bản thỏa thuận ngày 12/11/2019 giữa Cty Kim Oanh và vợ chồng ông Minh, đến thời điểm Tân Hiệp Phát chuyển giúp Cty Kim Oanh 115 tỷ cho vợ chồng ông Minh thì Cty Kim Oanh đã sở hữu 100% cổ phần Cty Minh Thành.
Ngày 12/8/2020, sau gần 1 năm vay tiền Tân Hiệp Phát và đã trả lãi đầy đủ, Cty Kim Oanh xoay xở được tiền, chuyển khoản 350 tỷ trả Tân Hiệp Phát. Bất ngờ Tân Hiệp Phát chuyển trả lại 350 tỷ này cho Cty Kim Oanh, không trả lại tài sản.
Cty Kim Oanh đòi làm rõ vấn đề thì ban đầu Tân Hiệp Phát đưa ra “giấy đề nghị” ngày 13/8/2020 của vợ chồng ông Minh, có nội dung “tạm dừng việc giao dịch cho đến khi có ý kiến hoặc có sự tham gia của chúng tôi”.
“Tân Hiệp Phát sau đó hứa sẽ mời vợ chồng ông Minh lên để ba bên cùng thống nhất giải quyết vấn đề. Nhưng sau nhiều tháng chúng tôi vẫn không nhận được thông tin hẹn lên làm việc nào. Cả Tân Hiệp Phát và vợ chồng ông Minh một mực né tránh, không tiếp xúc, dù chúng tôi đã nhiều lần tới tận nơi. Chúng tôi cho rằng do thời điểm này đất lên giá, dự án Minh Thành đã có giá hàng ngàn tỷ, nên Tân Hiệp Phát nổi lòng tham, câu kết vợ chồng ông Minh biến hợp đồng giả cách thành thật, chiếm đoạt Cty Minh Thành của chúng tôi và dự án Minh Thành”, Cty Kim Oanh tố cáo.
“Cty Kim Oanh khẳng định hiện chỉ có một giao dịch với Tân Hiệp Phát là đang vay 350 tỷ, nhưng Tân Hiệp Phát không nhận lại tiền, cố tình biến giao dịch vay thành giao dịch chuyển nhượng thông qua các hợp đồng giả cách”, đơn của nạn nhân viết.
Theo một video clip PLVN ghi nhận, vì “của đau con xót”, bà Đặng Thị Kim Oanh, người đứng đầu Tập đoàn Kim Oanh đã dẫn cả đàn con đến trụ sở Tân Hiệp Phát, gạt nước mắt quỳ lạy dưới chân bà Trần Uyên Phương để xin được trả lại tiền vay, xin lấy lại tài sản của mình. Thế nhưng, bà Trần Uyên Phương vẫn quay mặt bước đi.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trong các số báo sau.
Từ khu đất không có lối vào đến dự án đắc địa
Được biết, Cty Minh Thành có tài sản chủ yếu là dự án Minh Thành. Từ TP HCM, đi cao tốc Long Thành – Dầu Giây về hướng Đồng Nai, dự án hơn 56ha này nằm ngay đầu địa phận tỉnh Đồng Nai, tiếp giáp đường cao tốc.
Hiện chưa có đường vào dự án, chỉ có thể đi bộ từ cao tốc vào, hoặc đi bộ từ đường ĐT769 (thuộc ấp Bến Cam, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch), hoặc đi thuyền qua sông Đồng Nai.
Tuy nhiên, sau khi Cty Kim Oanh mua cổ phần Cty Minh Thành thì Nhà nước thi công nút giao thông 319 và mở rộng đường 319 nối từ cao tốc đi ra đường DT769 để đi vào KCN Nhơn Trạch 1, 2; Trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch hoặc ra QL51 đi Long Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu… nên dự án này trong tương lai sẽ có nhiều lối vào, giá tăng lên nhiều lần so với những năm trước. Dự án còn bất ngờ có thêm đặc điểm vị trí đắc địa khi có hai mặt tiền sông, là hai nhánh sông đổ ra Đồng Nai giao nhau, khiến dự án nằm ở vị trí ngã ba sông.
CQĐT đã ra văn bản đề nghị cơ quan chức năng Đồng Nai “phong tỏa” dự án này để chờ kết quả điều tra xử lý.