Bộ Công an: Không để tội phạm hoạt động lộng hành

(PLO) - Phát biểu tại Hội nghị của Bộ Công an vào chiều qua (19/10), Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương và những đơn vị liên quan phải xây dựng phương án, kế hoạch tổng thể đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức với phương châm “bóp chết từ trong trứng”, kiên quyết không để tội phạm hoạt động lộng hành theo kiểu “xã hội đen”…
Tang vật trong một vụ "Giết người", "Cố ý gây thương tích", "Tàng trữ trái phép chất ma túy" và "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng" do Công an TP.Hà Nội triệt phá

Triệt phá nhiều băng nhóm dáng dấp “xã hội đen” 

Chiều 19/10/2018, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết Kế hoạch về đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức (TPCTC); triển khai Đề án 2 về phòng, chống các loại TPCTC, tội phạm xuyên quốc gia.

Ngày 06/01/2014, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-BCA về đấu tranh phòng, chống TPCTC (Kế hoạch).

 Sau 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch đã nâng cao nhận thức, tạo những bước chuyển biến đáng kể đối với công tác đấu tranh phòng, chống TPCTC.

 Lực lượng Công an đã thể hiện được vai trò nòng cốt, trách nhiệm cao, phối kết hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội khác trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong giai đoạn 05 năm thực hiện Kế hoạch, toàn quốc xảy ra 264.611 vụ phạm pháp hình sự, đã điều tra khám phá 205.187 vụ, bắt xử lý 400.218 đối tượng. Lực lượng Công an toàn quốc đã triệt phá 11.767 băng nhóm, 56.355 đối tượng, trong đó có những băng nhóm lưu manh, côn đồ, hình sự cộm cán, có dáng dấp hoạt động theo kiểu “xã hội đen” và băng nhóm hoạt động tinh vi, “núp bóng”… qua đó góp phần rất quan trọng kiềm chế, làm giảm sự gia tăng phức tạp của tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Công an một số địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện những kế hoạch, chuyên đề đấu tranh tội phạm mang tính đón đầu, phù hợp với đặc thù tính chất tội phạm điển hình trên địa bàn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Tây Ninh với các chuyên đề như TPCTC núp bóng doanh nghiệp, tội phạm “tín dụng đen”, tội phạm lưu động, các đối tượng hình sự dùng thủ đoạn làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần; trộm cắp liên tỉnh tại các công sở… 

Phương châm “bóp chết từ trong trứng”

Ngày 14/11/2017, Bộ trưởng Bộ Công an đã phê duyệt Đề án “Phòng, chống các loại TPCTC, tội phạm xuyên quốc gia” (Đề án) thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. 

Mục tiêu cụ thể của Đề án là chủ động nắm tình hình, rà soát, phát hiện, lập hồ sơ các băng nhóm đang có biểu hiện hoạt động phạm tội, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, khám phá, vô hiệu hóa, làm tan rã. Kiên quyết không để hình thành, tồn tại các băng nhóm tội phạm mà không bị phát hiện, triệt phá.

Tập trung tấn công, trấn áp, vô hiệu hóa các băng nhóm tội phạm, phấn đấu giảm tỷ lệ phạm pháp hình sự xuống từ 3% đến 5% so với giai đoạn trước khi triển khai Đề án. Nâng tỷ lệ điều tra, triệt phá, vô hiệu hóa, làm tan rã các băng nhóm tội phạm từ 10% đến 15%; đảm bảo tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án do các băng nhóm gây ra đạt từ 75% trở lên, trọng án do các băng nhóm gây ra đạt từ 90% trở lên.

Chủ động phát hiện và ngăn chặn từ xa sự xâm nhập của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia vào Việt Nam hoạt động phạm tội, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, khủng bố, “rửa tiền” và các tổ chức tội phạm quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương và những đơn vị liên quan phải xây dựng phương án, kế hoạch tổng thể đấu tranh phòng, chống TPCTC theo Đề án của Bộ với phương châm “bóp chết từ trong trứng”, kiên quyết không để tội phạm hoạt động lộng hành theo kiểu “xã hội đen”.

Căn cứ nội dung, yêu cầu của Đề án, Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huy động hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống tội phạm; triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng, kết hợp thực hiện hiệu quả các Đề án.

Lực lượng Cảnh sát hình sự luôn phải là lực lượng chủ công trong phòng, chống TPCTC; xây dựng cơ chế, quy định về phân công, phối hợp lực lượng và phân cấp cho các đơn vị ở Bộ, ở tỉnh và cấp huyện quản lý, đấu tranh, triệt phá từng băng nhóm đã phân loại hoặc theo tội danh, hệ đối tượng. Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị trong Đề án cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tấn công tội phạm, kiên quyết chống “bảo kê”, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, tinh nhuệ, đủ sức đấu tranh với tội phạm nói chung và TPCTC nói riêng.

Tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng trong Đề án 2 như VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng…; cũng như hợp tác quốc tế, để học hỏi, trao đổi nâng cao nghiệp vụ; phối hợp bắt giữ các đối tượng phạm tội, truy nã trốn ra nước ngoài và thực hiện tương trợ tư pháp hình sự; nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài trong phòng, chống TPCTC; ngăn chặn từ xa các loại tội phạm có thể xâm nhập vào Việt Nam hoạt động. 

Đọc thêm