Sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ ngày 20/11, TAND TP HCM mở phiên xử vụ án xảy ra tại Cty Xuyên Việt Oil. Ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Bến Tre, cựu Chủ tịch HĐQT Vietinbank bị truy tố hai tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi và Nhận hối lộ.
Bị cáo Hạnh tại phiên xử. (Ảnh: Quỳnh Trần)
Bị cáo Hạnh tại phiên xử. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Ông Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương và 4 người nguyên là cấp dưới tại Bộ Công Thương; ông Lê Duy Minh; Đặng Công Khôi, cựu Cục phó Quản lý giá (Bộ Tài chính); và Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn Phan Kiến Anh bị xét xử về tội Nhận hối lộ.

Có vai trò cầm đầu vụ án, bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Thương mại Vận tải & Du lịch Xuyên Việt Oil, bị xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ. Cấp phó của bà Hạnh là Nguyễn Thị Như Phương bị xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Liên quan vụ án, còn có 5 người khác bị truy tố về tội Đưa hối lộ.

HĐXX đã dành nhiều thời gian thẩm vấn bị cáo Hạnh để làm rõ về hành vi gây thất thoát tài sản nhà nước khi không nộp tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) và thuế bảo vệ môi trường.

Quỹ BOG là quỹ tài chính ngoài ngân sách thuộc tài chính công, tài sản công để tại DN là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải mở tài khoản Quỹ BOG tại ngân hàng thương mại, phải trích tiền trên cơ sở số lượng doanh thu bán hàng để nhập vào Quỹ BOG theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, bà Hạnh đã lợi dụng việc Xuyên Việt Oil được giao thu hộ, quản lý, sử dụng tiền Quỹ BOG, chỉ đạo bà Phương không chuyển 219 tỷ đồng tiền quỹ vào tài khoản Xuyên Việt Oil, mà chuyển tới các tài khoản của mình rồi rút ra sử dụng vào mục đích cá nhân.

Trả lời HĐXX, bị cáo Hạnh thừa nhận sai phạm, không mở tài khoản định danh theo quy định để nhận tiền Quỹ BOG mà mở tài khoản thông thường. Do đó, ngân hàng không quản lý và biết được việc bị cáo rút tiền quỹ ra sử dụng riêng.

Lý giải về việc số tiền thực tế trong các tài khoản chỉ còn hơn 2 triệu nhưng vẫn ký báo cáo là số dư đủ, bà Hạnh cho rằng cán bộ chức năng “cũng có họp nhiều lần, biết Cty không có tiền trong tài khoản và có hối thúc”. Nhưng từ năm 2022 Cty nợ thuế, bị cấm nhập xuất khẩu nên gần như phá sản, không còn khả năng tài chính.

Với 219 tỷ đồng Quỹ BOG, bà Hạnh cho rằng đã đem đi đầu tư kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, bà còn vay mượn tiền của nhiều ngân hàng và sử dụng nguồn tiền khác của Cty để làm các dự án ở một số tỉnh, thành. "Bị cáo làm nhiều việc, Cty đầu tư dàn trải nhiều quá, nên mất tập trung; quản lý còn hạn chế dẫn đến thua lỗ", bà Hạnh nói.

Bị cáo Thọ tại phiên xử. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Bị cáo Thọ tại phiên xử. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Liên quan đến việc không nộp 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường được giao thu hộ, bà Hạnh nói không cố ý chậm thanh toán khoản tiền này. Đây là số tiền nợ thuế trong khoảng 3 tháng. Thời điểm xảy ra dịch Covid-19, giá xăng dầu biến động, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội nên kinh doanh xăng dầu thua lỗ lớn. Vì phải duy trì hoạt động cho những tháng sau đó dẫn đến lỗ luỹ kế, âm vốn không còn khả năng tài chính nên đã phải dùng đến tiền quỹ và tiền thuế để sử dụng vào mục đích riêng.

Về phương án khắc phục hậu quả, bà Hạnh nói sẽ sử dụng số tài sản hiện có. Trước đề nghị này, VKS đặt câu hỏi các tài sản bị cáo Hạnh nhờ đứng tên hộ gồm những gì. “Đó là căn biệt thự rộng 667m2 ở Mũi Né, 3 xe bồn có giá từ 1 - 7 tỷ đồng do Cty đứng tên không thế chấp ở đâu, con của bị cáo đã xin nộp cho CQĐT”, bị cáo nói.

Trong vụ án này, bà Hạnh còn bị xác định chi số tiền lớn cho lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để được cấp giấy phép kinh doanh, cấp tín dụng và che giấu sai phạm. Quá trình xét xử, các bị cáo đều thừa nhận toàn bộ vi phạm, bày tỏ ăn năn, hối cải và xin HĐXX khoan hồng, xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

HĐXX kết thúc phần xét hỏi vào chiều 21/11. Phiên tòa dự kiến tiếp tục vào ngày 25/11 với phần tranh luận.

Tại phiên xử, bị cáo Thọ nói: "Tôi rất hối hận về vi phạm của mình. Tôi nhận sai và xin lỗi về việc này" và cho rằng bản thân đã chủ động, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với CQĐT, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Ông Thọ cho biết đã động viên gia đình cố gắng thu xếp khắc phục toàn bộ hậu quả, nộp lại tất cả quà tặng, hiện vật, số tiền mà bị cáo Hạnh đã tặng. "Tôi biết bản thân vi phạm, song quá trình làm việc cũng đã cố gắng, nỗ lực, đóng góp cho ngành ngân hàng, cho tỉnh Bến Tre", ông Thọ nói.

Đọc thêm