Bộ Công an lý giải việc dự thảo Luật bổ sung quy định phong hàm tướng ở tỉnh

Trả lời công dân về việc tại sao dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) bổ sung quy định trần cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, Bộ Công an nêu ra 3 căn cứ.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Cụ thể, một là, theo Bộ Công an, chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh rất quan trọng. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng tham mưu với Bộ trưởng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; chủ trì và thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh; trực tiếp đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; tổ chức xây dựng lực lượng Công an tỉnh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Công an cấp tỉnh là cơ quan thuộc lực lượng vũ trang, vừa là cơ quan hành pháp (quản lý nhà nước), vừa là cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, có lĩnh vực quản lý rộng; nhiệm vụ liên quan đến hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, đối tượng quản lý phức tạp, nhiều vấn đề nhạy cảm, liên quan đến quyền tự do, dân chủ, lợi ích của công dân.

Hai là, khối lượng công việc của Công an cấp tỉnh ngày càng nặng nề. Theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Bộ Công an tập trung đảm nhiệm chức năng tham mưu, quản lý nhà nước, hoạch định chính sách bảo vệ an ninh, trật tự, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh, nhất là tội phạm hình sự chủ yếu tập trung ở địa phương, gắn với địa bàn cụ thể, hầu hết các dịch vụ công về an ninh, trật tự do Công an địa phương đảm nhiệm.

Đối với các tỉnh được phân loại là đơn vị hành chính cấp I (theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính) thì tình hình an ninh, trật tự còn phức tạp hơn, do đó nhiệm vụ của Giám đốc Công an các tỉnh này nặng nề hơn nên có chế độ, chính sách về cấp bậc hàm cao hơn là phù hợp.

Ba là, xuất phát từ vị trí chức vụ Giám đốc Công an cấp tỉnh trong hệ thống chức vụ sĩ quan Công an nhân dân. Giám đốc Công an cấp tỉnh được xác định là chức vụ cơ bản, quan trọng trong hệ thống chức vụ sĩ quan Công an nhân dân, là cấp dưới liền kề, có thể quy hoạch, bổ nhiệm chức danh Thứ trưởng. Tiêu chuẩn chức danh, cấp bậc hàm của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải đảm bảo tương quan tương đối với chức danh Cục trưởng (điều này hoàn toàn khác với quân đội).

Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, có chủ trương: “Xây dựng kế hoạch cụ thể để luân chuyển, điều động, giữ vị trí cấp trưởng, phù hợp với chức danh quy hoạch ở địa bàn khó khăn, lĩnh vực trọng yếu, nơi triển khai mô hình mới để thử thách, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng, năng lực lãnh đạo toàn diện của cán bộ”.

"Như vậy, yêu cầu khi bổ nhiệm Thứ trưởng thì cán bộ phải có thời gian đảm nhận chức vụ Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi địa bàn phức tạp, trọng điểm về an ninh, trật tự để rèn luyện, thử thách. Do đó, nếu chức danh Giám đốc Công an cấp tỉnh không có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng sẽ không luân chuyển được cán bộ cấp Cục đã có cấp bậc hàm Thiếu tướng làm Giám đốc hoặc không thực hiện được chính sách cán bộ đối với lãnh đạo cấp Cục có cấp bậc hàm Đại tá khi được luân chuyển làm Giám đốc", Bộ Công an nêu rõ. 

Đọc thêm