“Bộ Công an có đường dây nóng 113 tiếp nhận thông tin 24/24h. Bộ đang triển khai dự án nâng cao năng lực cho cán bộ, điều tra viên; phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng 10 phòng phỏng vấn, xét hỏi thân thiện ở 10 tỉnh”, ông Thường nói và cho biết, các phòng hỏi đều có đầy đủ người biết tiếng địa phương, tiếng Anh. Nếu trẻ bị xâm hại là bé gái, người hỏi và bác sĩ đều là nữ có chuyên môn cao.
Theo ông Thường, công an sẽ điều tra theo tuyến địa bàn trọng điểm, dùng nghiệp vụ để ngăn chặn các hành vi phạm tội, lên danh sách người có tiền án, tiền sự (kể cả người nước ngoài lưu trú trên địa bàn, người nước ngoài về thăm thân, đi du lịch...) để quản lý. Bộ Công an cùng các bộ, liên ngành đang nghiên cứu, tham mưu sửa đổi các điều luật cho phù hợp thực tế.
“Chúng tôi nâng cao hợp tác quốc tế thông qua con đường ngoại giao. Nếu người nước ngoài vi phạm tại Việt Nam, cơ quan chức năng của họ sẽ sang cùng điều tra; nếu xảy ra ở các nước, Việt Nam cũng sang phối hợp”, Đại tá Thường cho hay.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu nêu băn khoăn vì sao công an “điều tra thận trọng” trong vụ án Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng) bị khởi tố về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo bà Nguyễn Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, trong 25 quyền của trẻ em được quy định trong luật có quyền không bị xâm hại, không bị bỏ rơi... Vì vậy, bà đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý kịp thời các vụ xâm hại tình dục trẻ em, nếu không sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Vài tháng trước, Uỷ ban Tư pháp từng đề nghị Bộ Công an giải trình vì sao gần 20 ngày từ khi nhận được tin báo mà cơ quan chức năng chưa xử lý nghi phạm Nguyễn Hữu Linh.
Đại tá Thường giải thích trong quá trình điều tra vụ án này, Công an quận 4 (TP HCM) nhận được nhiều thông tin nên phải tiến hành thận trọng.