Bộ Công Thương không tăng biên chế khi thành lập thêm Ủy ban

(PLVN) - Sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) để điều hành giá xăng dầu và lo lắng sẽ “phình” biên chế khi Bộ Công Thương thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (gọi tắt là Ủy ban) là những nội dung thu hút quan tâm tại buổi họp báo quý I của Bộ Công Thương chiều 5/4. 
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân (bìa phải) trả lời câu hỏi về biên chế của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân (bìa phải) trả lời câu hỏi về biên chế của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Vai trò Quỹ bình ổn xăng dầu thế nào?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải Hải khẳng định, khi điều hành giá xăng dầu đã tính rất kỹ, xin phép cả các cấp có thẩm quyền. Giá cả theo từng kỳ đã có công thức tính được quy định trong Nghị định 83, căn cứ vào giá xăng dầu thế giới giao dịch trên sàn Singapore và thuế bình quân gia quyền để tính giá cụ thể cho từng kỳ điều hành. Và Quỹ BOG  là một công cụ để nhà nước điều hành thị trường xăng dầu. 

“Bỏ Quỹ BOG rất dễ dàng để điều hành. Lúc đấy thì “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng”. Rất đơn giản” - ông Hải bày tỏ đồng thời khẳng định, quỹ này là của người dân, coi như người dân “bỏ tiết kiệm”, khi nào cần thì đem ra dùng, để giá xăng không bị tăng cao theo giá thế giới.

Cũng theo ông Hải, nhờ có Quỹ BOG mà Liên Bộ Công Thương -Tài chính có thể giữ giá tăng ở mức “chỉ tăng hơn 1.300 đồng/lít, thay vì tăng hơn 3.000 đồng”. Quỹ BOG thành lập từ cơ sở mỗi lít xăng dầu nhập vào phải trích 300 đồng vào Quỹ, có kỳ tăng trích quỹ cao hơn do giá xăng dầu hạ nhiệt. Quỹ này do các DN quản lý, không có một đồng ngân sách nào chi vào. Chỉ khi có quyết định trích quỹ, các DN mới trích.

“Nếu xăng tăng giá ngay giáp Tết, xăng tăng giá cùng với giá điện thì sẽ gây tâm lý không tốt cho người dân. Đây chính là khó khăn của nhà điều hành nhưng nhờ Quỹ BOG mà có thể giữ được thị trường không bị biến động mạnh” - ông Hải nói thêm.

Theo thông tin mới nhất mà Thứ trưởng Hải cung cấp, hiện chỉ có 9 DN đầu mối (trong số 28 DN nhập khẩu và phân phối xăng dầu) là âm Quỹ BOG. Tuy nhiên, “anh cả” trong ngành xăng dầu Petrolimex có thông tin, đến thời điểm trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 2/4/2019, Quỹ BOG của Petrolimex còn 10 tỷ đồng.

Trong khi trong kỳ điều hành trước đó, Petrolimex đã chi hơn 600 tỷ từ Quỹ BOG. Trong kỳ điều hành vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn quyết định chi Quỹ BOG, như vậy, rõ ràng Petrolimex sẽ bị âm quỹ cho đến trước kỳ điều hành sau. 

Giải thích về việc kỳ vừa rồi giá dầu thế giới hạ nhiệt nhưng giá dầu trong nước vẫn tăng mỗi loại hơn 1.000 đồng/lít, ông Hải cho biết, do “giữ giá” ở kỳ điều hành kỳ 2 tháng 3/2019 trong khi giá dầu thế giới vẫn tăng nên kỳ điều hành vừa rồi, mặc dù giá dầu thế giới có giảm được 0,17% thì vẫn quyết định tăng giá dầu trong nước để có thể giúp DN dễ thở hơn.  

Đảm bảo tổng biên chế nhưng sẽ điều chuyển cán bộ

Vấn đề lo lắng sẽ “phình” biên chế tại Bộ Công Thương sau khi Bộ này có Dự thảo thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (gọi tắt là Ủy ban) cũng được đề cập đến trong cuộc họp báo hôm qua. Theo dự thảo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, Ủy ban sẽ được thành lập vào ngày 1/7/2019 cùng thời điểm với hiệu lực của Luật Cạnh tranh năm 2018. 

Theo dự thảo này, Ủy ban sẽ có biên chế 150 người, trong khi hiện nay, 2 cơ quan nòng cốt thực hiện công việc của Ủy ban này hiện có 68 người. Bao gồm 50 công chức của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và 10 công chức của Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia. Như vậy, với việc thành lập Ủy ban này, Bộ Công Thương sẽ phải tăng thêm gần 100 biên chế? 

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, toàn bộ nhân sự hiện có của 2 cơ quan là nòng cốt của Ủy ban sẽ chuyển sang làm việc tại Ủy ban. Số nhân sự còn lại sẽ được điều chuyển từ các bộ phận khác của Bộ Công Thương sang để đảm bảo số lượng công chức, viên chức của Bộ giữ nguyên.  

Ông Tân lý giải, vì công việc của Ủy ban rất nhiều và nặng để có thể thực thi tốt Luật Cạnh tranh 2018 nên số nhân sự cua Ủy ban phải đủ nhiều để thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Luật. Ủy ban phải thực hiện 2 chức năng cơ bản, gồm giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về cạnh tranh và thực hiện chức năng tài phán về xử lý vi phạm luật cạnh tranh như thỏa thuận cạnh tranh, lạm dụng vị thế, tập trung kinh tế…. 

Ông Tân khẳng định: “Bộ Công Thương đảm bảo tổng số lượng biên chế của Bộ không thay đổi nhưng sẽ có sự điều chuyển cán bộ trong nội bộ khi được giao nhiệm vụ”…Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, Bộ Nội vụ chỉ yêu cầu tổng biên chế của Bộ phải giữ nguyên còn Bộ trưởng Bộ Công Thương được phép điều chỉnh trong nội bộ của Bộ để đáp ứng nhiệm vụ, do đó, việc sẽ có 150 công chức làm việc tại Ủy ban không ảnh hưởng đến số lượng biên chế của Bộ.

Đọc thêm