Đó là khẳng định của ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 12/3, liên quan đến tình trạng xăng, dầu lậu “tung hoành” ở nhiều địa phương với số lượng rất lớn đã bị cơ quan điều tra phát hiện trong thời gian vừa qua.
Theo ông Đông, Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ GTVT… và trách nhiệm của các địa phương.
Bộ Công Thương thực hiện 3 chức năng chính, gồm: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu; bảo đảm nguồn cung cho sản xuất và tiêu dùng; phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ cho sản xuất và tiêu dùng.
Ông Trần Duy Đông khẳng định, “như vậy, theo chức năng nhiệm vụ được phân công trong Nghị định 83, Bộ Công Thương về cơ bản đã thực hiện và đáp ứng tốt. Tuy nhiên, trong giới hạn nhiệm vụ được cho phép, Bộ Công Thương vẫn thường xuyên có những đoàn kiểm tra, giám sát và hậu kiểm các cơ sở đại lý kinh doanh xăng dầu.
Gần đây nhất là đợt kiểm tra cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Công an giám sát hoạt động thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu, đầu mối. Với những trường hợp cơ quan công an phát hiện và điều tra hành vi buôn lậu, buôn bán hóa đơn, pha chế xăng giả, Bộ cũng cung cấp các thông tin về hoạt động của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối có liên quan”.
Sau vụ đường dây xăng dầu giả quy mô "khủng" lên tới 2,7 triệu lít xăng giả bị phát hiện hồi đầu tháng, Bộ Công Thương cho biết, đoàn kiểm tra của Bộ đã phối hợp với nhiều đơn vị chức năng như công an, quản lý thị trường, tài chính thực hiện kiểm tra, hậu kiểm đối với khoảng 10 doanh nghiệp từ trước Tết Nguyên đán. Đến nay, việc kiểm tra đã hoàn tất.
Tuy nhiên, "công tác kiểm tra và hậu kiểm được cơ quan chức năng tiến hành thực hiện liên tục. Đợt kiểm tra, hậu kiểm này bước đầu sẽ kết thúc vào cuối tháng 3/2020. Một số doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý. Dự kiến sẽ có khoảng 4-5 doanh nghiệp bị rút giấy phép do vi phạm các quy định về kinh doanh xăng dầu" - lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tăng cường, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát hoặc động kinh doanh mặt hàng xăng, dầu. Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng coi xăng, dầu là mặt hàng đặc biệt quan trọng cần kiểm tra, giám sát thường xuyên để xử lý triệt để những vụ việc buôn bán xăng, dầu giả, kém chất lượng.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, so với các mặt hàng khác, gian lận thương mại trong xăng dầu rất lớn, trung bình mỗi ngày có 1,5 vụ vi phạm, ngày nào cũng có vi phạm.
Trong năm 2020, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 4.550 vụ việc liên quan đến mặt hàng xăng dầu, xử lý 1.291 vụ với tổng số tiền xử phạt gần 14 tỷ đồng; tịch thu, tạm giữ gần 79.000 lít xăng dầu các loại với trị giá hàng hóa trên 1,5 tỷ đồng.