Về việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào TP trực thuộc Trung ương, qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đó.
Theo loại ý kiến này, việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Mặt khác, tuy Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô quy định điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát việc gia tăng dân số cơ học tại các địa phương này nhưng thực tế không đạt hiệu quả như kỳ vọng.
ĐB Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật - tán thành với đề xuất quy định về việc bỏ đăng ký thường trú vào các TP trực thuộc Trung ương. ĐB chỉ ra rằng, dân số cơ học những người thường trú, tạm trú, những người chưa cư trú tại TP Hà Nội là rất đông. Dù những người này không thường trú nhưng họ vẫn tạm trú, thậm chí ở Hà Nội từ đời này sang đời khác.
TP Hồ Chí Minh dân số cơ học cao gấp đôi dân số có hộ khẩu nhưng vẫn quản lý được. Theo ĐB, việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú là hết sức cần thiết. Việc quy định như vậy sẽ tăng áp lực về cơ học, điều kiện trường học… nhưng những vấn đề này khi thi hành chính quyền địa phương sẽ có biện pháp để tăng cường năng lực đáp ứng được.
Còn theo ĐB Đào Thị Tú Hoa, đây là việc rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến điều kiện sinh sống, làm việc, học tập của người dân mà lớn hơn là đến an ninh trật tự của TP, đặc biệt là với Thủ đô – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước; ảnh hưởng không nhỏ đến các cơ quan đầu não của cả nước.
Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra là không chỉ thực hiện việc tự do cư trú mà còn phải đảm bảo hài hòa an ninh xã hội, đảm bảo an ninh, chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, ĐB cho rằng chưa có cơ sở để quyết định việc sửa đổi như đề xuất trong Dự thảo Luật.
Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, tiếp thu các ý kiến, đảm bảo các yêu cầu với các luật không bị chồng chéo, giải quyết được các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời bổ sung thêm một số ý kiến như khai báo tạm vắng rồi có khai báo tạm trú không, khai báo tạm trú rồi có khai báo tạm vắng hay không…