BĐBP An Giang hiện nhận đỡ đầu 64 em học sinh, trong đó Bộ Chỉ huy và khối cơ quan đỡ đầu 24 em, 13 đơn vị cơ sở đỡ đầu 40 em (trong đó địa bàn Campuchia đối diện là 24 em). Đối với mỗi học sinh, thời gian nhận đỡ đầu tính từ thời điểm đơn vị nhận đỡ đầu đến khi học xong lớp 12, số tiền là 500 nghìn đồng/tháng/em.
Gia đình em Nguyễn Thị Ngọc Thi (SN 2005, ngụ ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Mẹ Thi mất sớm sau cơn bạo bệnh, không có đất canh tác, nhà cửa tạm bợ, dột nát, cha em dù thấp khớp, chân tay đau nhức vẫn sớm tối chạy xe ôm. Thi kể: “Có hôm cha đau nặng không chạy xe ôm được, em phải nghỉ học ở nhà chăm sóc cha. Hũ gạo ở nhà không còn, em phải sang bà con lối xóm kế bên mượn gạo để nấu cháo cho cha”.
Năm 2015, Thi có ý định bỏ học nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền xã Phú Hội, thầy cô giáo Trường Tiểu học Phú Hội và cán bộ Đồn BP Phú Hội em tiếp tục vượt khó tới trường. Nay với sự hỗ trợ của BĐBP, Thi có điều kiện theo học hết lớp 12. Ước mơ của em là cố gắng học tập thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ khám, chữa bệnh người nghèo trong xã, trong đó có cha em.
Thiếu úy Nguyễn Quốc Việt - Đội trưởng Vận động quần chúng Đồn BP Cửa khẩu quốc tế Sông Tiền - chia sẻ: “Để thực hiện tốt chương trình, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường lựa chọn các cháu nhận đỡ đầu; gặp gỡ, trao đổi, thống nhất với gia đình, yêu cầu gia đình tạo mọi điều kiện để các cháu được tới trường; tổ chức ký cam kết nhận đỡ đầu giữa đại diện ban chấp hành đoàn đơn vị với đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường và phụ huynh học sinh.
Ban Chấp hành chi đoàn còn cử cán bộ, đoàn viên thường xuyên giữ liên hệ với nhà trường để nắm kết quả học tập, rèn luyện của các cháu; gặp gỡ, động viên các cháu vươn lên trong học tập. Đồng thời, cán bộ, đoàn viên của đơn vị thường xuyên kèm cặp, hướng dẫn các em trong suốt thời gian học tập. Mỗi khi các em có thành tích học tập tốt, ví như được điểm 10 chẳng hạn, chi đoàn lại trích một phần quỹ để mua cặp, vở, bút,… tặng các em để động viên. Vì vậy, thành tích học tập của các em ngày càng tốt hơn”.
Đối với địa bàn đối diện ở Campuchia, Bộ Chỉ huy và các Đồn BP lựa chọn đối tượng là những em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi nhưng chú trọng vào các em ở các phum kết nghĩa; các em là con gia đình chấp hành nghiêm quy chế, quy định về biên giới lãnh thổ của 2 nhà nước; các gia đình có thái độ tích cực trong quan hệ đoàn kết với Việt Nam. Trong quá trình nhận đỡ đầu, các đơn vị căn cứ vào tình hình cụ thể để thống nhất với đơn vị bảo vệ biên giới và chính quyền bên phía đối diện để quản lý và trao đổi thông tin về hoàn cảnh và quá trình học tập của các em.
Em Ren-ny (SN 2001, ngụ tại ấp 2, xã Kao-som-no, huyện Léc-đéc, tỉnh Cần-đan, Vương quốc Campuchia) là một trong những học sinh Campuchia được BĐBP Việt Nam hỗ trợ tiếp tục đến trường. Nhà em có 3 mẹ con. Cha bỏ nhà đi từ lúc Ren-ny còn nhỏ. Mẹ em không có việc làm, lại thường xuyên đau yếu nên gia đình em rất nghèo.
Dù không có đất canh tác, không đất ở, sống lay lắt dưới mái nhà tranh xiêu vẹo cất tạm trên mảnh đất của người bạn nhưng chị Say-mo-ren vẫn quyết tâm cho con đến trường. Chị nói bằng tiếng Việt lơ lớ: “Đời em đã quá khổ do học hành không tới nơi. Em cảm ơn BĐBP Việt Nam đã giúp gia đình em có được suất học bổng này. Đó thực sự là động lực giúp Ren-ny vượt khó học giỏi.”
Ngoài chương trình kể trên, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh An Giang còn thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP”, gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” với nhiều mô hình hay như: “Ngôi nhà 100 đồng”, “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”, quỹ “Heo đất tình thương”, “Hũ gạo tình thương”, “Thùng rác 100 đồng”, “Cây mùa xuân”, “Những chuyến đò ngang an toàn”…, quyên góp hơn 10 tỷ đồng ủng hộ cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn và dân nghèo khu vực biên giới tỉnh An Giang, Việt Nam và 2 tỉnh Tà Keo, Cần Đal, Campuchia.