Bộ đội Biên phòng chung tay bảo tồn tộc người Đan Lai

(PLO) - Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông”. BĐBP là một trong những lực lượng tham gia thực hiện quyết định, chung tay bảo tồn tộc người Đan Lai. 
Bộ đội Biên phòng chung tay bảo tồn tộc người Đan Lai

12 năm chưa xong tái định cư

Tộc người Đan Lai chỉ có tại huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) với 770 hộ, 3.307 người, trong đó có 1.308 trẻ em, chiếm 39,5%, sống chủ yếu ở đầu nguồn, khe suối, tách biệt các dân tộc khác tại các xã Môn Sơn, Lục Dạ, Châu Khê, Thạch Ngàn và Lạng Khê. Vùng thượng nguồn khe Khặng (vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát) ở độ cao trên 1.350m so với mực nước biển thuộc địa bàn xã Môn Sơn được coi là vùng “đất tổ” của tộc người Đan Lai. 

Trước năm 2006, 176 hộ người Đan Lai sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, tập trung ở 2 bản Co Phạt và Búng biệt lập với các bản làng khác. Do cuộc sống phụ thuộc vào tự nhiên và nguồn thức ăn trong rừng, với phương thức cơ bản là “chặt - bắt - đổi” nên họ sống theo hình thức du canh, du cư. Khi nguồn thức ăn cạn kiệt, họ lại tìm đến nơi mới. Trải qua một thời gian dài sống cách biệt với thế giới bên ngoài, phương thức sinh sống chủ yếu của người Đan Lai là săn bắt, hái lượm, dựa vào tự nhiên. 

Chính vì vậy họ đối diện với các nguy cơ về kinh tế, xã hội, suy thoái giống nòi do quan hệ cận huyết và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Quá trình thường xuyên di chuyển khiến cho cuộc sống của người Đan Lai có nhiều biến động… Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, chủ yếu là phát rừng làm rẫy, tỷ lệ hộ đói nghèo 90%; trình độ dân trí thấp, còn nhiều tập tục lạc hậu; bệnh tật, ốm đau xảy ra thường xuyên.

Ngày 16/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 280/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông”. Mục tiêu của đề án là nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người này, đồng thời đảm bảo khu vực an ninh biên giới, bảo vệ hệ sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát. Tổng vốn đầu tư ban đầu theo Đề án là 93,244 tỷ đồng, sau nhiều lần điều chỉnh đã nâng lên hơn 278,311 tỷ đồng.

Sau 10 năm thực hiện đề án, đã có 78 hộ dân với 531 nhân khẩu chuyển đến các khu tái định cư tại các bản Tân Sơn, Cửa Rào (xã Môn Sơn), bản Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn - Con Cuông). Theo đánh giá, các hộ di chuyển đến khu tái định cư cơ bản ổn định về kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông đảm bảo, hệ thống điện, nước sinh hoạt, tưới tiêu… đã đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền của các ban, ngành nhận thức của cộng đồng Đan Lai đã có nhiều chuyển biến, các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ. Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, hiện nay vẫn còn 224 hộ dân đang sinh sống tại nơi ở cũ, trong đó có 30 hộ được ở lại theo quy hoạch Đề án, 40 hộ được quy hoạch tái định cư tại 2 bản: Kẻ Tắt và Bá Hạ thuộc xã Thạch Ngàn nhưng chưa đủ điều kiện di chuyển tái định cư và do thiếu quỹ đất. Một dự án tái định cư cho 64 hộ không khả thi do không đủ quỹ đất và thiếu nguồn nước sinh hoạt… Vì vậy, sắp tới huyện sẽ thực hiện chuyển 35 hộ dân sang tái định cư ở xã Thạch Ngàn.

Đưa trẻ đến trường, giúp dân ổn định đời sống

Báo cáo của UBND huyện Con Cuông cho thấy, có trên 230 trẻ em Đan Lai chưa được đi học, số được đến trường giảm dần theo từng cấp học và dễ có nguy cơ bỏ học giữa năm để giúp bố mẹ làm kinh tế, nhất là vào chính mùa măng là mùa làm duy nhất trong năm của phụ nữ ở đây. Việc hạ tầng cơ sở còn hạn chế, đường sá đi lại trong rừng, cách rất xa trường học... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến con đường đến trường của trẻ em ngày càng khó khăn hơn.

Vì vậy, Đồn Biên phòng Môn Sơn, tổ công tác tại 2 bản Búng và Cò Phạt phối hợp với Trường Tiểu học Môn Sơn tích cực vận động đưa trẻ trong độ tuổi đi học đến trường, vận động 43 học sinh lớp 5 có ý định bỏ học tiếp tục theo học tại Trường Trung học cơ sở xã Môn Sơn. Đoàn viên, thanh niên BĐBP tỉnh đã tổ chức đợt vận động quyên góp ủng hộ kinh phí mua 450 bộ quần áo ấm tặng học sinh nghèo của 2 bản, vận động ủng hộ 5 triệu đồng để mua đồ dùng sinh hoạt, học tập cho các cháu học sinh Đan Lai tại trung tâm xã Môn Sơn, cấp học bổng cho 10 học sinh nghèo vượt khó.

Đặc biệt, BĐBP Nghệ An đã kêu gọi sự ủng hộ, khai thác có hiệu quả các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh cho đồng bào. Điển hình là các dự án: Sắp xếp, ổn định dân cư Đan Lai tại bản Cò Phạt, bản Búng với tổng mức đầu tư hơn 17 tỷ đồng để xây dựng 3,1km đường giao thông nội bản, 2 công trình thủy lợi, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 công trình cấp nước sinh hoạt cho cụm dân cư 2 bản; công trình cấp điện với tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng; công trình trường tiểu học bản Búng trị giá 2 tỷ đồng; công trình Phòng khám quân dân y bản Búng, trị giá 1 tỷ đồng; công trình Phòng khám quân dân y bản Cò Phạt trị giá 350 triệu đồng...

Để giúp nhân dân giải quyết những khó khăn trong đời sống, tập trung phát triển sản xuất, chăn nuôi đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài, Bộ Tư lệnh BĐBP đã hỗ trợ kinh phí để mua 49,5 tấn gạo cứu đói và 164 bộ chăn, màn cấp cho 164 hộ của 2 bản.

Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An cử 100 chiến sĩ mới của Tiểu đoàn 19 tu sửa nhà ở, làm đường giao thông, nạo, vét khơi thông kênh mương thủy lợi dẫn nước về ruộng; đắp nền nhà trường, đào hào chống các loại động vật vào khu vực sản xuất của 2 bản; vận động các cơ quan, đơn vị quyên góp ủng hộ nhân dân 2 bản hơn 1,2 tấn phân NPK, 100kg ngô giống cao sản LVN 10.415 bộ quần áo, 50 chăn ấm, 24 màn ngủ, 8,5 tấn gạo, 85kg đường và 35,5 triệu đồng tiền mặt cho các hộ nghèo; hỗ trợ cho 10 hộ 10 con bò giống trị giá 50 triệu đồng, 35 con lợn giống, 17 con dê giống; sửa chữa 27 nhà, làm mới 2 nhà, tu sửa 22 nhà tranh tre cho các hộ đặc biệt khó khăn với tổng trị giá khoảng 850 triệu đồng. 

Đọc thêm