Bộ đội Biên phòng chung tay xóa nghèo cho đồng bào vùng biên giới A Lưới

(PLO) - Nhằm chung sức vào công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào A Lưới (tỉnh Thừa Thiên  - Huế) theo hướng tiếp cận đa chiều, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai nhiều  hoạt động và chương trình giúp dân khu vực biên giới phát triển kinh tế.
Lực lượng Công an, Biên phòng tuần tra đảm bảo ANTT tuyến biên giới Việt Nam- Lào đi qua địa bàn huyện A Lưới.
Lực lượng Công an, Biên phòng tuần tra đảm bảo ANTT tuyến biên giới Việt Nam- Lào đi qua địa bàn huyện A Lưới.

Để hỗ trợ tối đa và chăm lo đời sống cho các hộ nghèo ở các địa phương trên địa bàn huyện A Lưới, lực lượng BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện việc lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế và chọn một số hộ để tập trung nguồn lực giúp đỡ về phương tiện, tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020, địa bàn huyện A Lưới có 17 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, trong đó 12 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% đều thuộc địa bàn biên giới.

Xã Hồng Vân là một trong những địa phương có số lượng hộ nghèo lớn nhất của huyện A Lưới. Toàn xã có 441 hộ nghèo trên tổng số 781 hộ (chiếm 56,46%), cao nhất tỉnh. Theo chuẩn tiếp cận đa chiều, các tiêu chí thiếu hụt ở xã chủ yếu là tiêu chí thu nhập, thiếu nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, đất đai và kiến thức sản xuất.

Chia sẻ về các chương trình lồng ghép nhằm giúp bà con đồng bào vùng biên giới thoát nghèo, Thượng tá Nguyễn Văn Nga, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cho biết: Địa bàn đơn vị quản lý gồm 3 xã Hồng Trung, Hồng Vân và Hồng Thủy, đều là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện A Lưới. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, năm 2017, đơn vị chọn 10 hộ nghèo trên địa bàn xã Hồng Vân để phối hợp thực hiện hỗ trợ thoát nghèo. Đơn vị cũng đã chọn một số mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất để hỗ trợ cho bà con, đồng thời giúp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế đạt hiệu quả.

Ngoài việc hỗ trợ về vật nuôi, cây trồng và các điều kiện phát triển sản xuất, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh còn có kế hoạch tiếp cận, tranh thủ các chương trình hỗ trợ về nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, các dịch vụ y tế, chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm…

Đại tá Vũ Văn Uy - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, sự chia sẻ, giúp đỡ của các ban, ngành và cộng đồng xã hội là cần thiết, nhưng vai trò của cán bộ vận động quần chúng là rất quan trọng. Người nghèo cần được cung cấp thông tin và giáo dục nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí quyết tâm phấn đấu vượt nghèo. Vì vậy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trương tăng cường công tác vận động quần chúng nhằm tạo động lực để người nghèo khắc phục tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng xã hội...

Để có giải pháp hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững đối với các xã biên giới, Ban Chỉ huy các đồn biên phòng trên địa bàn huyện A Lưới thường xuyên làm việc với UBND các xã nhằm thống nhất nội dung cụ thể trong công tác giảm nghèo; khảo sát các hộ nghèo, cận nghèo, xác định rõ nguyên nhân và nhu cầu của các hộ nghèo để có giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2020, với chỉ tiêu mỗi xã giảm hộ nghèo 4%/năm.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho hay, việc dạy nghề và tìm kiếm việc làm cho người nghèo là giải pháp mang tính căn cơ, bởi thực tế đa số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập đều do thiếu đất sản xuất và thiếu việc làm. Do đó, phải tập trung định hướng tốt cho bà con học các ngành nghề đáp ứng được nhu cầu, phù hợp với các cơ sở sản xuất, chế biến tại địa phương nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và tạo điều kiện cho người nghèo mở hướng làm ăn mới để từng bước thoát nghèo bền vững. 

Đọc thêm