Để cụ thể hóa quy định tại khoản 6 Điều 3, khoản 3 Điều 18, điểm b khoản 1 Điều 35 Luật Tiếp cận thông tin và đảm bảo tính khả thi, dự thảo Nghị định quy định theo hướng: Đối với người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Điều 2 dự thảo Nghị định quy định việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng, điều kiện thực tế của địa phương; căn cứ vào loại thông tin, cơ quan nhà nước trên địa bàn quyết định lựa chọn một hoặc một số phương thức tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin phù hợp.
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc xây dựng hệ thống thông tin công cộng; nâng cấp, đầu tư các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật liên quan.
Dự thảo Nghị định cũng quy định các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin như cơ quan cung cấp thông tin đa dạng hóa hình thức, phương thức cung cấp thông tin phù hợp với người yêu cầu cung cấp thông tin; bố trí thiết bị nghe - xem và các thiết bị phụ trợ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật, phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan…
Đại diện Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết, mỗi dạng khuyết tật khác nhau thì cách tiếp cận thông tin khác nhau nên cần có quy định về hướng dẫn cách thức cung cấp thông tin cụ thể cho người khuyết tật. Về ưu tiên cung cấp thông tin cho người khuyết tật, Nghị định cần quy định cụ thể, rõ nét hơn theo hướng nếu nhiều người cùng đến thì ưu tiên cung cấp thông tin cho người khuyết tật. Cùng với đó, cán bộ hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người khuyết tật trong việc làm các thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin cần có những năng lực nhất định để truyền tải thông tin cho người khuyết tật.
Còn Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Phước Thọ nhận định, nội dung dự thảo Nghị định liên quan nhiều đến người khuyết tật, người ở vùng sâu, vùng xa nên cần lấy ý kiến kỹ lưỡng với những đối tượng này vì thực tiễn rất quan trọng. Ngoài ra cũng cần mở rộng các cơ quan lấy ý kiến để có đánh giá một cách toàn diện.
Đại diện VKSNDTC nhấn mạnh, các biện pháp phải hài hòa giữa quyền của người dân và khả năng của cơ quan nhà nước, cần thể hiện rõ các biện pháp phù hợp với điều kiện tiếp cận của người dân chứ không phải điều kiện cung cấp của cơ quan nhà nước. Do đó, cần có khảo sát và đưa ra những nhóm giải pháp cơ bản.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng Nghị định phải quy định nguyên tắc, tiêu chí về những thông tin mật, nhạy cảm, không công khai, đồng thời yêu cầu về số, ngày ban hành chỉ áp dụng với những thông tin đơn giản chứ ko thể áp dụng với những thông tin phức tạp. Còn đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất quy định nội dung về bảo đảm an toàn thông tin để đảm bảo tính an toàn khi cung cấp thông tin.
Nhất trí về sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp hiến của dự thảo Nghị định, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu lưu ý cần làm rõ vấn đề tài chính liên quan đến tiếp cận thông tin, rà soát lại các mẫu biểu. Dự thảo cần quy định rõ hơn về đầu mối cung cấp thông tin, trong đó phải khoanh vùng cụ thể các cơ quan, nên chăng quy định cụ thể về nhân sự, cơ sở vật chất để đảm bảo khả thi. Liên quan tới nội dung tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật, người ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, Thứ trưởng yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các quy định, tăng cường các biện pháp đặc thù cho những đối tượng này để đảm bảo tối đa các cơ hội tiếp cận thông tin cho họ.