Những ngày giáp Tết, phóng viên Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với Đại tá Bùi Văn Lua - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) - xung quanh vấn đề chống buôn lậu của lực lượng BĐBP.
Đại tá cho biết kết quả đấu tranh chống ma túy, buôn lậu và tội phạm năm 2020 của lực lượng BĐBP?
- BĐBP là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trong đó có chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong năm 2020, nhiều vụ buôn lậu lớn đã được phát hiện và xử lý kịp thời góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển, góp phần giữ vững ổn định nền kinh tế trong nước.
Kết quả, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm trong BĐBP đã tích cực, chủ động xác lập, đấu tranh thành công 128 chuyên án (93 chuyên án ma túy, 7 chuyên án buôn lậu, 16 chuyên án tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép); chủ trì, phối hợp bắt giữ 11.972 vụ/40.920 đối tượng (tăng 6.399 vụ/29.510 đối tượng so với năm 2019); thu giữ 3,101 tấn ma túy các loại; bắt 20 đối tượng mua bán người, giải cứu 49 nạn nhân; tạm giữ hàng hóa buôn lậu trị giá 81,6 tỷ đồng...
Các đơn vị BĐBP đã chủ trì và phối hợp phát hiện, bắt giữ 1.514 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với 852 đối tượng, tăng 372 vụ, giảm 69 đối tượng so với năm 2019.
Đại tá Bùi Văn Lua. |
Trong đó, BĐBP chủ trì 1.340 vụ/739 đối tượng, tăng 312 vụ, giảm 43 đối tượng, tạm giữ 1.455.290 lít dầu, 373 tấn than, 5.886kg pháo, 685.839 bao thuốc lá ngoại, 54,6 tấn đường, 104 tấn gia súc, 7 tấn thịt gia cầm, 21.060kg thịt trâu đông lạnh, 20.000 lít dầu thực vật, 209m3 gỗ, 55kg động vật hoang dã, 3.120kg sừng động vật, 3.094.400 chiếc khẩu trang, 19.150 chiếc găng tay, 3.894 lọ dung dịch sát khuẩn, 23.750 USD và nhiều hàng hóa khác…
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 này, hoạt động buôn lậu có chiều hướng nóng trở lại. Đại tá có thể cho biết phương thức, thủ đoạn buôn lậu qua biên giới?
- BĐBP quản lý địa bàn biên giới, hải đảo thuộc 44 tỉnh, thành phố với 234 quận, huyện, thị xã và 1.110 xã, phường, thị trấn với trên 7 triệu người dân sinh sống thuộc 42 dân tộc anh em. Cả nước có 238 cửa khẩu, cảng biển, lối mở, trong đó có 25 cửa khẩu quốc tế, 24 cửa khẩu chính, 68 cửa khẩu phụ, 85 lối mở biên giới và 36 cửa khẩu cảng biển.
Đây vừa là địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị cũng như phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là nơi các loại tội phạm lợi dụng để hoạt động vi phạm pháp luật, trong đó có hoạt động của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tại các tuyến biên giới, lực lượng BĐBP, Hải quan và các đơn vị địa phương tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở được ngăn chặn, không phát sinh điểm nóng nhưng hoạt động của tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp.
Trên tuyến biên giới đất liền, các đối tượng đầu nậu móc nối, cấu kết hình thành đường dây trong và ngoài biên giới để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chúng lợi dụng địa hình sông suối, đồi núi hiểm trở, các đường mòn qua lại biên giới, chờ đêm tối, thời tiết phức tạp và sự sơ hở của các lực lượng chức năng để tập kết hàng hóa ở khu vực giáp biên, sau đó thuê những người dân sinh sống ở khu vực biên giới vận chuyển trái phép hàng hóa qua sông, suối, các đường mòn vào Việt Nam.
Các mặt hàng được vận chuyển lậu gồm: Than, xăng dầu, khoáng sản, lâm sản, nông sản, dược liệu, rượu ngoại, thuốc lá, gia cầm, quần áo may sẵn, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, linh kiện điện tử, điện lạnh…
Ở khu vực phía Nam, một số chủ đầu nậu mua hàng hóa từ nước ngoài, sau đó thuê người dân biên giới thông thuộc địa bàn, trực tiếp sang bên kia biên giới đóng gói hàng và sử dụng ghe, xuồng máy công suất lớn hoặc sử dụng xe máy di chuyển với tốc độ cao để vận chuyển hàng lậu qua các kênh rạch, đường mòn về Việt Nam.
Đáng chú ý, chủ hàng yêu cầu người vận chuyển thuê đặt cọc một khoản tiền tương đương trị giá hàng hóa vận chuyển, khi hàng hóa vận chuyển trót lọt qua biên giới thì sẽ được trả lại tiền công và tiền đặt cọc. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì làm văn bản từ chối nhận hàng, cho rằng đối tác nước ngoài gửi nhầm hàng hoặc sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để tẩu tán, phi tang hàng hóa. Đây là một trong những nguyên nhân xảy ra nhiều vụ việc chống người thi hành công vụ, cướp lại tang vật (hàng nhập lậu) trong thời gian qua.
Hiện nay, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Đại tá cho biết tình hình chống tội phạm, chống dịch được thực hiện như thế nào?
- Năm 2020, toàn lực lượng BĐBP đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới, vùng biển, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, đường mòn, lối mở, thực hiện nghiêm hiệp định, quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Theo đó, ngay từ đầu tháng 2/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và lan sang các nước, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quán triệt và triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch; điều động tăng cường và thành lập 1.600 tổ, chốt với gần 10.000 cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng khác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, đường mòn lối mở biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, quyết tâm không để dịch bệnh lây truyền vào trong nước.
Qua đó đã phát hiện, xử lý 31.774 người nhập cảnh trái phép; tiếp nhận 11.668 người Việt Nam nhập cảnh, cư trú, lao động trái phép do các nước trao trả qua cửa khẩu, bàn giao cho địa phương cách ly theo quy định. Phối hợp với các lực lượng, cơ quan chức năng thực hiện thủ tục nhập cảnh tại các cửa khẩu và bàn giao 116.342 người cho lực lượng chức năng cách ly theo quy định. Điều tra, bắt giữ, khởi tố, xử lý hình sự 94 vụ/172 đối tượng tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Đại tá có thể cho biết vì sao việc chống buôn lậu thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao và các giải pháp phát huy có hiệu quả vai trò của BĐBP trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở khu vực biên giới, cửa khẩu thời gian tới?
- Tồn tại của các hoạt động kể trên do rất nhiều nguyên nhân, song xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như sau: Do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Một bộ phận cán bộ chức năng thiếu tinh thần trách nhiệm còn có dấu hiệu làm ngơ, tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công tác phối hợp, hiệp đồng của các lực lượng chức năng còn hạn chế...
Để phát huy có hiệu quả vai trò của BĐBP trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở khu vực biên giới, cửa khẩu cần tập trung tiến hành một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị BĐBP phải có chủ trương, biện pháp thiết thực để lãnh đạo, chỉ đạo làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, trách nhiệm của cấp trưởng, chính ủy, chính trị viên từng đơn vị và mỗi cán bộ, chiến sĩ trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn phụ trách.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp trình độ, nhận thức và phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng miền để quần chúng nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực, tự giác tham gia phòng chống tội phạm buôn lậu.
Ba là, xây dựng tổ chức, lực lượng BĐBP vững mạnh về mọi mặt.
Bốn là, nâng cao chất lượng hiệu quả các biện pháp công tác nghiệm vụ trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu.
Năm là, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ở biên giới, cửa khẩu, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa các lực lượng nhằm tăng cường sự thống nhất và trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và các nước có chung đường biên. Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Trân trọng cảm ơn Đại tá!