Bộ GD&ĐT "dở" trong "chương trình giảm tải"

 Sau gần 2 tháng thực hiện chương trình giảm tải, không chỉ thầy cô kêu, bởi chương trình là một hệ thống, không phải nói “cắt” là “cắt”. PGS.Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế  Vinh (Hà Nội), đồng thời cũng là người biên soạn SGK hình học nâng cao lớp 10, 11, 12 và GS.Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đưa ra quan điểm về vấn đề này...

Sau gần 2 tháng thực hiện chương trình giảm tải, không chỉ thầy cô kêu, bởi chương trình là một hệ thống, không phải nói “cắt” là “cắt”. Hơn nữa, chủ trương này lại không có sự chuẩn bị. PGS.Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế  Vinh (Hà Nội), đồng thời cũng là người biên soạn SGK hình học nâng cao lớp 10, 11, 12 và GS.Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã thẳng thắn đưa ra quan điểm về vấn đề này...

“Khi tổng kết lại thì chúng ta thu được những kết quả gì?”

Mở đầu cuộc trò chuyện với PLVN, PGS.Văn Như Cương giãi bày: “Điều tôi lo lắng nhất là cuối năm nay khi tổng kết lại thì chúng ta thu được những kết quả gì? Tôi là chủ biên SGK Hình học nâng cao 10, 11, 12. Tôi không được tham gia ý kiến về việc giảm tải chương trình và SGK lần này, vì dự thảo chỉ nói về việc giảm tải cho chương trình chuẩn. Trong khi ở bậc THPT, mỗi môn trong 8 môn học đều có hai chương trình là chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Và như vậy chương trình chuẩn thì được giảm tải còn chương trình nâng cao thì không. Đó là điều làm cho tôi khá băn khoăn, không hiểu là tại sao?”.

Khi đưa ra chủ trương, Bộ GD&ĐT chỉ có một tuần để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo. Như thế có phải là quá ít hay không?

Bộ GD&ĐT "dở" trong "chương trình giảm tải" ảnh 1
 
- PGS.Văn Như Cương: Tôi cũng cho là ít quá, vì vấn đề thực ra không đơn giản. Nhưng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nói “Tài liệu này nội dung khá đơn giản và được chuẩn bị kĩ càng nên việc lấy ý kiến sẽ không lâu! Có thể đến 25/8 này sẽ thực hiện được. Việc triển khai cũng đơn giản bằng cách gửi qua hệ thống mạng”. Tôi không hy vọng gì nhiều nếu chỉ có 1 tuần vừa nhận góp ý, đọc góp ý, tổng kết góp ý và họp lại để bàn xem có nên sửa chữa gì hay không, cuối cùng viết bản chính thức và đưa cấp trên duyệt. Trong các cuộc lấy ý kiến đóng góp cho một dự thảo, thời lượng “1 tuần” chắc chắn đạt kỉ lục.

Thưa ông, việc đưa ra chương trình giảm tải đồng nghĩa với việc Bộ GD-ĐT thừa nhận SGK hiện hành có nhiều điều bất cập. Tuy nhiên, ông có ý kiến gì về những tiêu chí giảm tải mà Bộ đã đưa ra?

- Bộ đã có nói về 5 tiêu chí cho việc giảm tải. Cụ thể là, giảm tải  những phần trùng lặp trong các môn khác nhau; giảm tải những phần trùng lặp ở lớp dưới và lớp trên; giảm tải những bài tập và câu hỏi quá sâu, không phù hợp với trình độ h; giảm tải các kiến thức chỉ có riêng ở địa phương; giảm tải bằng cách sắp xếp lại bài học cho hợp lí. Và theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thì tuy “đợt điều chỉnh lần này tương đối nhiều, trải khắp chương trình từ lớp 1 đến lớp 12, nhưng đều là những nội dung mang tính nhỏ lẻ”.

Tôi cũng nhận thấy như vậy, nội dung giảm tải lần này mang tính nhỏ lẻ, vụn vặt. Nghĩa là chúng ta vẫn còn quá rụt rè, e ngại mà chưa thực sự mạnh dạn. Tôi không hiểu với sự thay đổi nhỏ lẻ như 5 tiêu chí đã nêu thì chúng ta cắt giảm được bao nhiêu phần trăm thời lượng?.

Nếu Bộ đã có thống kê thì cũng nên công bố. Nếu chỉ bỏ bớt đi khoảng từ 5 đến 10% (tôi đồ chừng như vậy) thì chẳng giải quyết được vấn đề giảm tải. Đáng ra phải có một tiêu chí giảm tải rất quan trọng: Những kiến thức và mảng kiến thức không cần học ở phổ thông thì cương quyết cắt giảm. Tôi chỉ nêu một trong nhiều ví dụ, đó là Chương Số phức (Toán lớp 12) là có thể bỏ hoàn toàn. Kiến thức về số phức hoàn toàn không cần thiết đối với bậc trung học phổ thông.

Một khía cạnh rất quan trọng của vấn đề giảm tải là giảm bớt số môn học trong tuần. Ở bậc THPT mỗi tuần đều có 12 môn học, không kể các hoạt động giáo dục khác. Trong khi đó, ở các nước thường chỉ có 6 đến 8 môn (học xong môn Sử rồi mới học môn Địa, học xong môn Lý rồi mới học môn Hóa...).      

Nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ý lo ngại và không mấy tin tưởng về những chủ trương mới của lãnh đạo bộ GD&ĐT ban ra trong thời gian gần đây. Với chủ trương điều chỉnh SGK lần này, ông lo ngại điều gì nhất?

- Trước hết việc đề ra những chủ trương mới, cách thức mới... cần hết sức cẩn trọng, suy trước tính sau, nếu cần phải làm thử. Lấy ví dụ: Chủ trương thi tốt nghiệp “theo cụm” hoặc “chấm chéo” đều là vội vàng, vì sau khi thực hiện một vài năm thì thấy rõ là không mang lại hiệu quả gì. Giảm tải là một chủ trương đúng đắn phù hợp với nguyện vọng của thầy cô giáo, của học sinh và cha mẹ học sinh. Điều tôi lo lắng nhất là cuối năm nay khi tổng kết lại  thì chúng ta thu được những kết quả gì?

GS.Đào Trọng Thi nói về “cái dở của Bộ”

Trao đổi với PLVN, GS.Đào Trọng Thi nhận định: “Cái dở của Bộ là khi tiến hành giảm tải đã không tập trung những người soạn chương trình lại”.

Bộ GD&ĐT "dở" trong "chương trình giảm tải" ảnh 2
 

Giáo sư Đào Trọng Thi lý giải cụ thể: “Năm nay, Bộ GD&ĐT đưa ra chủ trương trước mắt giảm tải nội dung chương trình thì tôi cho rằng đó là chủ trương đúng và chủ trương tốt. Nhưng chủ trương này nó có hiệu quả  hay không còn phụ thuộc mình chuẩn bị như thế nào. Chủ trương này theo tôi hơi gấp quá. Đáng lẽ, chủ trương phải được đưa ra trước vài tháng, nhân tiện các thầy cô được đi tập huấn thì nó sẽ khác. Giảm tải chương trình nội dung nói thì dễ, nhưng giảm tải cái gì, cắt nội dung nào, không phải giảm tải là cắt bừa, không thể cái cần thì không cắt, lại cắt đúng cái cần.

Hai là, khi thiết kế chương trình, người ta có tính đến tính toàn thể, mình không thể cắt đoạn này đoạn kia vì không khéo nó làm hỏng đoạn khác. Vì có những kiến thức tôi dạy đoạn sau phải có kiến thức đằng trước. Hơn nữa, trong giáo dục, nội dung không phải là những dấu cộng mà  nó là sự liên kết. Tất cả đều có giá trị để tạo ra một hiệu quả tiếp thu của học sinh.

Trong chủ trương hướng dẫn, định hướng của Bộ có nói đến 5 vấn đề cần giảm tải. Một trong số đó là cắt những cái gì trùng lặp. Nhưng cắt những cái gì lặp lại nhiều lần chưa chắc đã đúng, bởi vì cái trùng lắp ấy đôi khi là thể hiện phương pháp giảng dạy. Cũng như khi người ta thiết kế chương trình, họ thiết kế theo phương pháp đồng tâm. Có nghĩa là năm nay tôi dạy nội dung này, nhưng tôi dạy đến đây thôi vì lứa tuổi trẻ ấy mới tiếp thu được đến đấy. Sang năm tôi lại quay lại nội dung đó, có thể lặp lại một chút nhưng nội dung được sâu hơn và rộng hơn”.

Như ông đã nói ở trên, giảm tải không phải đơn giản là chuyện cắt cái này hay cắt cái kia. Nhiều người cũng cho rằng, trước khi đưa giảm tải vào thực hiện, Bộ cần phải mời các chuyên gia đến để góp ý xem nên giảm như thế nào. Ông nghĩ sao?

- GS.Đào Trọng Thi: Cái dở của Bộ là khi tiến hành giảm tải đã không tập trung những người soạn chương trình lại. Bởi, họ có ngồi lại thì họ mới biết giảm tải nên bớt cái gì thì không hỏng, bớt cái gì thì hỏng. Lúc đầu nghe chủ trương rất phấn khởi vì nhu cầu xã hội cũng nhiều năm rồi bây giờ mới thấy có hưởng ứng từ cơ quan quản lý. Nhưng vừa rồi nghe thấy sự chuẩn bị cập rập quá, chưa đâu vào đâu thì cũng bắt đầu thấy nghi ngờ, không biết có hiệu quả không hay đây chỉ là khẩu hiệu. Nếu đây là khẩu hiệu thì chỉ trấn an người ta được một thời gian ngắn. Tôi cho rằng, sau một thời gian nữa có thể không được cái gì mà kết quả còn ngược lại, loạn, người ta bắt đầu phân vân, hoang mang.

Nhiều nhà khoa học cho rằng nên tinh giản chương trình thay vì cắt giảm chương trình. Ông có thể nói quan điểm về vấn đề này?

- Cắt giảm nhưng phải dưới dạng tinh giản. Tinh giản là một việc làm theo chiều hướng tích cực. Nhưng để làm cụ thể thế nào thì không đơn giản. Tôi ủng hộ nhưng không phải đơn giản, nói thế là được thế. Bộ chỉ dừng lại ở mức đó nên rất khó cho các cơ sở, khó cho các nhà trường trong việc triển khai ý định.

Vì ý định được chuẩn bị tốt ở phía trên thì độ khó sẽ không đẩy xuống phía dưới. Đáng lẽ, cái khó ở cấp trung ương là bộ phải giải quyết vì Bộ có thể can thiệp vào chương trình giảng dạy, nội dung giảng dạy. Bộ làm một cái chung cho các Sở, nhưng trình độ các Sở lại khác nhau, có sở trình độ kém hơn, rồi lại để cho các trường làm, để cho các thầy làm…Nếu giáo viên ta rất giỏi, phương pháp rất thành thạo thì thực hiện được, nhưng có một thời kỳ mình đào tạo giáo viên dạy cái gì thì đào tạo đúng cái đó. Bộ phải gánh trách nhiệm mình làm giảm tải tương đối, hướng dẫn đến mức cụ thể, để sau đấy không cần Sở không cần trường nữa. Cái cụ thể đó đưa cho người giáo viên, nếu tập huấn được. Do đó quyển hướng dẫn phải được chi tiết đến mức  giáo viên đọc quyển hướng dẫn đó và tự giảng dạy được.

Xin cảm ơn ông!

Uyên Na (thực hiện)

Đọc thêm