Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở các cơ sở giáo dục đại học là cần thiết. Các trường đại học cần thể hiện sự tiên phong trong việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp thông qua trang bị kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm và truyền cảm hứng cho sinh viên.
Bộ tiêu chí gồm 6 nhóm với 33 tiêu chí. Trong đó, 6 nhóm tiêu chí gồm: Cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Hoạt động thông tin, truyền thông; Hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; Tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; Hỗ trợ nguồn kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp; Tác động xã hội, cộng đồng.
Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ là cơ chế quan trọng để đánh giá, ghi nhận nỗ lực và kết quả của các cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Giúp các cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá các hoạt động khởi sáng tạo của đơn vị mình, qua đó, định hướng và triển khai tốt hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao uy tín, vị thế nhà trường.
Bộ tiêu chí cũng sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá kết quả và tác động của các cơ chế, chính sách đối với các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, từ đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hơn. Đồng thời, sẽ hỗ trợ các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc nghiên cứu tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển các đề tài nghiên cứu, các dự án của các bộ, ngành, địa phương.
Bộ tiêu chí còn hướng tới hỗ trợ các nhà quản lý giáo dục, giáo viên các trường phổ thông, học sinh và các bậc phụ huynh tham khảo trong công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp.