Bộ Giao thông Vận tải tiết lộ lý do “buông” Dự án Ngọc Hồi - Yên Viên

(PLVN) - Sau khi hay tin Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chuyển chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị nói trên từ Bộ về UBND TP Hà Nội, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng câu chuyện đường sắt trên cao của Thủ đô, với quá nhiều “tì vết” thời gian qua  khiến Bộ này không muốn “dây”, vì lo ngại trách nhiệm. Sự thật có phải là như vậy?
Hình minh họa
Hình minh họa

Dự án này có chiều dài 28,7 km, với quy mô xây dựng tổ hợp ga và đoạn cầu cạn từ Giáp Bát - Gia Lâm và cầu vượt sông Hồng; tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2007-2017. 

Tuy nhiên, sau đó dự án được điều chỉnh, phân kỳ đầu tư lại, trong đó, giai đoạn I tập trung đầu tư xây dựng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi (tổng mức đầu tư 19.046 tỷ đồng, mục tiêu hoàn thành vào năm 2024), còn hướng tuyến đường sắt vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh. Hiện dự án chủ yếu tập trung công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế, lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu chính của dự án, chưa triển khai được gói thầu thi công, xây lắp nào.

Sau khi điều chỉnh, Bộ GTVT ước tính tổng mức đầu tư toàn bộ dự án đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên khoảng 81.537 tỷ đồng, tăng 9 lần. Mới đây, Bộ  này đã có văn bản gửi Chính phủ xin thôi nhiệm vụ chủ đầu tư của dự án, đồng thời đề xuất chuyển chủ đầu tư sang UBND TP. Hà Nội. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ GTVT “buông” khỏi dự án này là sự thiếu trách nhiệm? Thấy khó khăn, đội vốn, không làm được thì Bộ này mới “buông” khỏi dự án?

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PLVN, ông Trần Trường Giang - Chánh Văn phòng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay, việc thay đổi chủ đầu tư từ Bộ GTVT sang Hà Nội là bởi quy định mới trong Luật Đường sắt. Theo đó, Luật Đường sắt mới quy định, tất cả các dự án đường sắt đô thị sẽ thuộc về các địa phương làm chủ đầu tư.

“Ngày trước Hà Đông thuộc Hà Tây và Hà Tây chưa sáp nhập vào Hà Nội nên đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đi qua hai tỉnh nên Bộ GTVT làm chủ đầu tư”, ông Giang giải thích thêm.

Đọc thêm