Theo đề xuất của Cục Hàng không, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều, nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Đường bay từ 500 - 850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng. Đường bay từ 850 km - dưới 1.000 km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và tối đa 2,79 triệu đồng. Đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Lý giải về đề xuất này, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh. Hàng không không khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế, trong khi các chuyến nội địa cũng bị cắt giảm hoặc lượng khách giảm đáng kể. Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội máy bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng máy bay năm 2019. Doanh thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí giảm không đồng tốc với doanh thu dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán.
Đây là những nguyên nhân chính căn bản trực tiếp tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng không gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không. Các hãng hàng không đã liên tục hạ giá bán, để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên máy bay, tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
Vì thế, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất áp giá sàn vé máy bay như một “chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cục Hàng không cho rằng khung giá trên sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam; xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.
Trước đề xuất trên, chiều nay - 7/9, Bộ GTVT đã có thông tin phản hồi. Theo đó, Bộ GTVT cho biết, hiện nay Cục Hàng không đã có báo cáo và đề xuất phương án về Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ GTVT nhận định, đây là một vấn đề có tính tác động rất lớn, nên quan điểm của Bộ GTVT là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học, đặc biệt phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không.
Bên cạnh đó cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với toàn ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua và gian đoạn tiếp theo.
Chính vì vậy, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau trong đó có đánh giá tác động cụ thể; tổ chức làm việc, xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, trước khi chính thức đưa ra quyết định.