Bộ GTVT nên dừng nên toàn bộ việc cấp phép nạo vét lòng sông

Truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng khi kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đề nghị Bộ này nên dừng toàn bộ việc cấp phép nạo vét lòng sông.
Ảnh: VGP News.
Ảnh: VGP News.

Đây là một trong những vấn đề "nóng" liên quan đến chức năng quản lý của Bộ, đang bị các địa phương phản ứng. 

"Thủ tướng nói với tôi, việc cấp phép của Bộ GTVT nên dừng lại, giao cho địa phương. Với sông thì trách nhiệm quản lý tài nguyên cát sỏi là Bộ TN&MT, quản lý nước là Bộ NN&PTNT. Nhưng khi cấp phép nạo vét luồng dòng sông thì các doanh nghiệp khai thác lợi dụng việc đó, nạo vét ngay sát bờ", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. "Việc cấp phép này hiện địa phương không biết, có chuyện bảo kê, xã hội đen dọa lãnh đạo tỉnh. Đây là vấn đề người ta đang bức xúc, gây ra mất ổn định ở địa phương, vì lợi nhuận kinh khủng nếu khai thác cát trái phép.  Đề nghị Bộ GTVT không cấp phép, dừng toàn bộ việc này lại để xem xét, để địa phương quản lý, cấp phép" 

Chương trình kiểm tra tiến hành vào hôm nay, 21/3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Thủ tướng ghi nhận những cố gắng của Bộ GTVT và ban ngành trực thuộc, tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ giải trình về 9 vấn đề nóng.

Vấn đề thứ nhất là tai nạn giao thông, vấn đề được nhân dân cả nước quan tâm, bức xúc. Thực tế số người chết, số vụ, số người bị thương tuy đã được kéo giảm, nhưng tai nạn đường sắt tăng, nhiều đường ngang qua đường sắt không có rào chắn, lực lượng bảo vệ, nhiều vụ tai nạn thương tâm. Tai nạn đường thủy cũng diễn biến phức tạp.

Tiếp đến là vấn nạn xe dù, bến cóc, tạo ra lộn xộn về trật tự đô thị. Việc điều chuyển luồng tuyến ở bến xe Mỹ Đình tạo bức xúc cho nhà xe.

Thứ ba - vấn đề lớn với các thành phố lớn là ùn tắc giao thông và phân luồng giao thông. Chính phủ yêu cầu, với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ GTVT phải có giải pháp giúp địa phương, xử lý, điều tiết thế nào, phân luồng thế nào khi số phương tiện ngày càng lớn. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề, khi các thành phố ra quân lấy lại lòng lề đường, vỉa hè, thì nhu cầu gửi xe của người dân sẽ được đảm bảo thế nào?.

Thứ tư là tình trạng xe quá tải, quá khổ. Trong đó, việc phối hợp giữa các cơ quan thiếu chặt chẽ, các trạm cân trên nhiều tuyến hầu như bỏ ngỏ. Đặc biệt, có trường hợp lợi dụng thanh tra để bảo kê cho xe quá tải.

Thứ năm, liên quan tới sân bay, hàng không, Thủ tướng yêu cầu làm sao đã quy hoạch thì đừng để vỡ, cơ chế xã hội hóa cần phải xem xét kỹ lưỡng.

Vấn đề thứ sáu là chất lượng công trình giao thông, tại nhiều địa phương rất bất cập, có sự đầu tư dàn trải, cần quan tâm công tác quản lý sau đầu tư. Cùng với đó là hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu giao thông… chưa được bảo đảm, gây nguy cơ tai nạn giao thông do hạ tầng.

Vấn đề thứ bảy, Thủ tướng đề nghị rà soát lại  các dự án BOT và trạm thu phí. Bộ GTVT cũng đang quyết liệt phối hợp với các bộ, ngành để sớm ban hành quyết định về trạm thu phí không dừng. Đây là nền tảng để công khai, minh bạch, giám sát việc thu phí.

Tiếp theo là vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ GTVT cần quyết liệt hơn trong đẩy nhanh tiến độ thoái vốn Nhà nước.

Cuối cùng là một số vấn đề khác như hoàn thiện thể chế, quản lý taxi.

Từ 1/1/2016 đến thời điểm kiểm tra, Thủ tướng giao Bộ GTVT 610 nhiệm vụ, Bộ đã hoàn thành 510 nhiệm vụ, còn 95 nhiệm vụ trong hạn và 5 nhiệm vụ quá hạn. Trong thời gian không dài nhưng số nhiệm vụ được giao so với các bộ, ngành khác là rất lớn, tỷ lệ hoàn thành khá cao.

Đọc thêm