Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan và nhiều chuyên gia kinh tế.
Buổi làm việc nhằm thống nhất những giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và kiểm soát tốt lạm phát; triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016.
Thủ tướng chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: VGP News |
Sau khi lắng nghe ý kiến đại diện các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành phải tìm giải pháp để thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ KH&ĐT phải thực hiện tốt vai trò là tham mưu trưởng về các giải pháp kinh tế-xã hội cho Chính phủ, có tư duy đổi mới; “phải là đường dây nóng về kinh tế” để tập trung giải quyết những vấn đề vĩ mô cấp bách.
“Tinh thần lớn là tập trung hoàn thiện thể chế, gỡ bỏ ngay các rào cản để phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.
Bộ phải là đơn vị đi đầu trong chống tham nhũng; đề xuất mô hình tăng trưởng như mô hình đặc khu kinh tế, khu trung chuyển hàng hóa…
Trước mắt, Bộ cần phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam để thực hiện tốt hội nghị gặp gỡ DN sắp tới. Thủ tướng nhấn mạnh, DN là nguồn lực quan trọng, phải khơi dậy nguồn lực này để phát triển. Bên cạnh đó, cần quan tâm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Về một số giải pháp cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT phải sớm đưa ra giải pháp tạo nguồn cho đầu tư phát triển, mà không chỉ là vay nước ngoài, phát hành trái phiếu. Thứ hai là kiểm soát và tiết kiệm trong đầu tư công, kể cả chi cho đầu tư phát triển. Phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại danh mục các dự án đầu tư công, tập trung cho lĩnh vực y tế, giáo dục.
Yêu cầu đưa ra cơ chế quản lý chặt chẽ chi tiêu công, mua sắm công, bảo đảm bình đẳng, công khai trong đấu thầu; nghiên cứu hình thức mua sắm công, đấu thầu quốc gia qua mạng...
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, thẩm định lại các dự án quốc gia quan trọng, trước hết là các dự án có vốn từ 10.000 tỉ đồng trở lên.
Bộ KH&ĐT cần có giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, nhất là việc thoái vốn để lấy nguồn đầu tư cho những lĩnh vực khác; phối hợp với Bộ NN&PTNT đưa ra chính sách đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Bộ KH&CN nghiên cứu gói hỗ trợ DN về khoa học công nghệ.