Điểm lại những chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng khẳng định trong kết quả chung đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng góp vai trò xứng đáng. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách.
“Là cơ quan trọng yếu vừa có hoàn thiệp pháp luật vừa có đề án hướng tới tương lai, thành công lớn nhất của Bộ là trình Chính phủ và Quốc hội Luật Đầu tư công, đây là Luật rất khó, đạt được sự nhất trí cao là thành công, Luật phản ánh được được thực tiễn cuộc sống…” - Phó Thủ tướng biểu dương.
Cùng với đó, Bộ cũng đã trình được Đề án về thu hút FDI, Bộ Chính trị đã đồng tình và ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Mặc dù là lĩnh vực mới song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ban hành được khung chính sách cho kinh tế chia sẻ. Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ đã công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam và tới đây định kỳ sẽ công bố…
“Sáng nay Thủ tướng nhờ tôi nhắn nhủ tới các đồng chí rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xây dựng được các thể chế chính sách để kiến tạo và phát triển, xứng đáng là bộ tổng tham mưu của toàn bộ nền kinh tế” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ và nhấn mạnh, xây dựng thể chế kiến tạo như nhiệm vụ bao trùm trung tâm của Bộ.
“Tương lai của nền kinh tế không chỉ là đường kéo dài của quá khứ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải là Trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Chúng ta đã có Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải là Trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo thể chế…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần thành lập Tổ công tác để rà soát những điểm mắc nghẽn về thể chế, từ đó đề xuất sửa đổi, không chỉ lĩnh vực của Bộ mà chung của cả nền kinh tế. Đó chính là ưu tiên hàng đầu nhằm khơi thông nguồn lực, tạo đà cho tăng trưởng bền vững.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có tư tưởng bứt phá, tiếp tục khơi thông các động lực tăng trưởng, giữ vững nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, tổng hợp, phân tích dự báo, chủ động xây dựng các kịch bản để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu, ngành Kế hoạch và Đầu tư cần xác định nhiệm vụ cải cách thể chế, chính sách để kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là nhiệm vụ bao trùm chức năng của ngành; nhất là xây dựng mô hình phát triển kinh tế mới, phương thức kinh doanh mới trong điều kiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cũng đề xuất 3 cơ quan của Bộ là Trung tâm Thông tin Kinh tế và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Viện Chiến lược phát triển và Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) là thành viên của Tổ công tác và “đặt lịch” làm việc với 3 đơn vị này. “3 đơn vị này là Thủ tướng Chính phủ ban hành chức năng nhiệm vụ, tương đương cấp Tổng cục. Anh Dũng (Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - PV) là Tổng tham mưu trưởng thì các cơ quan này là tham mưu tác chiến…”- Phó Thủ tướng ví von. Ông cũng lưu ý Bộ khẩn trương hoàn thiện các Dự án Luật PPP. Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)... và bám sát chủ trương của Bộ Chính trị sắp tới về vấn đề này…
Sẽ sớm có tháo gỡ trong việc triển khai Luật Quy hoạch
Trong rất nhiều vấn đề các địa phương phán ánh tại Hội nghị, nhiều nhất là các vấn đề liên quan đến Luật Quy hoạch. Quy hoạch chuyển tiếp như thế nào trong khi Quy hoạch cấp trên chưa được phê duyệt như Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng? Trong khi Quy hoạch sản phẩm bị bãi bỏ, thì việc chuyển tiếp sẽ thực hiện như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ hướng tháo gỡ, nếu không kịp trong tháng 7 này sẽ trình kỳ họp tháng 8 của Chính phủ, cần thiết có quy định ngang Luật sẽ trình Quốc hội trong tháng 10 tới. Về việc lập quy hoạch mới, Bộ trưởng cho biết, các văn bản hướng dẫn, nghị định, thông tư đã cơ bản, nhưng bắt tay vào lập Quy hoạch mới còn nhiều khó khăn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần đầu tiên chủ trì lập Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng trên cơ sở bỏ Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trước đây, tích hợp mọi vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương vào một Quy hoạch chung, lại cùng một thời gian nên khối lượng công việc rất nhiều. Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ có báo cáo và xử lý trong thời gian tới.