Bộ luật hình sự 2015: Đề xuất sửa đổi, bổ sung 119 điều

(PLO) - Sáng qua (8/8), Ban soạn thảo dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã có phiên họp lần thứ nhất dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Trưởng Ban soạn thảo. Trình bày Báo cáo xin ý kiến tại phiên họp, Tổ Biên tập đề xuất sửa đổi, bổ sung 119 điều luật của BLHS 2015.
Quy định về định lượng trong tội gây ô nhiễm môi trường là quá cao sẽ khó xử lý hành vi vi phạm trong thực tế nên được đề xuất sửa đổi.
Quy định về định lượng trong tội gây ô nhiễm môi trường là quá cao sẽ khó xử lý hành vi vi phạm trong thực tế nên được đề xuất sửa đổi.

Tập trung vào các “lỗi kỹ thuật”

Theo đại diện Tổ biên tập thì 119 điều luật được đề xuất sửa đổi, bổ sung nêu trên đều là những điều luật có sai sót về kỹ thuật mà không thể giải thích, hướng dẫn, cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích của người phạm tội.

Trong 119 điều luật trên, tính đến nay, Tổ biên tập đã thảo luận và thống nhất được nội dung, phương án sửa đổi, bổ sung 97 điều luật. Trong 22 điều luật còn lại thì có một số nội dung sửa đổi đã được thống nhất, có một số nội dung chưa thống nhất, tập trung vào các vấn đề như: định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với tội gây ô nhiễm môi trường; bổ sung một số loại cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện trong thời gian gần đây; có quy định hay không về “độ tinh khiết” đối với chất ma túy tại một số tội phạm về ma túy…

Cho ý kiến về nội dung trên, Ủy viên Ban soạn thảo, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn cho rằng quy định về định lượng trong “Tội gây ô nhiễm môi trường” (Điều 235) làm căn cứ truy cứu TNHS là quá cao và “nếu quy định như vậy thì không thể xử lý hình sự được ai”. Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cũng có ý kiến, hiện các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đang gia tăng nên cần tăng cường xử lý về hình sự đối với dạng vi phạm trên, việc hạ thấp định lượng là hợp lý.

Tiếp thu các ý kiến trên, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Tổ biên tập cân nhắc việc định lượng trong “Tội gây ô nhiễm môi trường” để điều luật mang tính khả thi hơn. Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị Tổ biên tập tiếp thu ý kiến để nghiên cứu, bổ sung một số loại cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện trong thời gian gần đây (như cỏ Mỹ, lá Khat, chè Nam Phi…) vào một số điều luật để xử lý hình sự hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt loại cây hoặc lá này. Đối với dấu hiệu “bỏ trốn” trong tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Bộ trưởng Lê Thành Long lưu ý, quy định làm sao để vẫn xử lý được người có hành vi chiếm đoạt tài sản mặc dù có thể họ không bỏ trốn.

Giữ nguyên các quy định về TNHS của pháp nhân

Ngoài 119 điều luật được đề xuất sửa đổi, bổ sung thì đại diện Tổ biên tập cũng cho hay, hiện còn 16 điều luật khác mà Tổ biên tập đã thảo luận nhưng chưa có ý kiến thống nhất về việc có sửa đổi hay không. Các điều luật này chủ yếu liên quan đến vấn đề TNHS của pháp nhân, tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, xử lý hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội đối với tội phạm có cấu thành vật chất…

Trước một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội; vấn đề đồng phạm, phạm tội có tổ chức của pháp nhân thương mại phạm tội; thời hiệu truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội…, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, vấn đề truy cứu THNS đối với pháp nhân thương mại là vấn đề mới, lần đầu tiên được quy định trong BLHS, chưa được áp dụng trong thực tiễn. Do vậy, trước mắt thì vẫn giữ quy định như hiện nay và sau này có khó khăn trong áp dụng thì có nghiên cứu hướng dẫn…

Cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật cho rằng, cần tập trung để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn hiện đối với 22 điều luật đã có sự nhất trí cần sửa đổi, bổ sung nhưng chưa  thống nhất được nội dung sửa đổi, bổ sung. Có thể, Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu, chuẩn bị hai phương án sửa đổi một cách chu đáo để trình. Tới đây, Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp với Tổ công tác liên ngành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 để có thể tiến hành thẩm tra, cho ý kiến trong thời gian sớm nhất, đảm bảo dự án Luật được trình và thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 vào tháng 10 tới đây. 

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị không hình sự hóa hoạt động cung cấp dịch vụ cung cấp trò chơi điện tử trên mạng không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép

Liên quan đến quy định tại Điều 292 BLHS 2015 (Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông), mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản cho rằng “việc điều luật lựa chọn dịch vụ kinh doanh “trò chơi điện tử trên mạng” là một trong các hình thức kinh doanh được quy định trong điều luật này là chưa hợp lý vì so với các ngành nghề quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 292 BLHS thì “trò chơi điện tử trên mạng” dù được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng xem xét về tính chất và mức độ tác động thì ngành nghề này không ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức tới túi tiền người dân như hoạt động kinh doanh vàng, thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp hoặc trung gian thanh toán.

Trên thực tế, người sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cũng đã chủ động xác lập dịch vụ để sử dụng và thụ hưởng nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà dịch vụ này mang lại. Mức độ nguy hiểm cho xã hội của hoạt động kinh doanh trò chơi điện điện tử trên mạng chỉ là những hệ lụy của dịch vụ này… Ngoài ra, ngành nghề kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng cũng cần có sự nghiên cứu chuyển đổi từ hình thức quản lý theo hướng tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển…”.

Từ quan điểm trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị hủy bỏ điểm đ và e, khoản 1 Điều 292 BLHS 2015.

Đọc thêm