Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông

Mỹ cho rằng các quốc gia trong khu vực nên hợp tác và dùng biện pháp hợp tác và ngoại giao để giải quyết các tranh chấp mà không có ép buộc, không đe dọa nhau, không sử dụng vũ lực. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các bên có bước đi làm giảm căng thẳng, phù hợp với tinh thần Tuyên bố ASEAN 1992 về việc Biển Đông và Tuyên bố năm 2002 ASEAN-Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 3/8, Quyền Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell đã ra tuyên bố thể hiện sự lo ngại về tình hình căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc nâng cấp hành chính "thành phố Tam Sa" và thành lập đơn vị đồn trú quân sự mới.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng các hành động này của Trung Quốc đi ngược lại các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết bất đồng, đồng thời khiến nguy cơ căng thẳng tiếp tục leo thang trong khu vực.
 

Tàu cá Trung Quốc tràn ra biển Đông.
Tàu cá Trung Quốc tràn ra biển Đông.

Tuyên bố nói rõ rằng Mỹ không có lập trường về các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, cấu trúc địa chất trên Biển Đông, và cũng không có tham vọng lãnh thổ tại đây. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng các quốc gia trong khu vực nên hợp tác và dùng biện pháp hợp tác và ngoại giao để giải quyết các tranh chấp mà không có ép buộc, không đe dọa nhau, không sử dụng vũ lực.

Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các bên có bước đi làm giảm căng thẳng, phù hợp với tinh thần Tuyên bố ASEAN 1992 về việc Biển Đông và Tuyên bố năm 2002 ASEAN-Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Tuyên bố nêu rõ Mỹ ủng hộ nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng sự đồng thuận về một cơ chế dựa trên các nguyên tắc để quản lý và ngăn ngừa tranh chấp, khuyến khích ASEAN và Trung Quốc đạt tiến bộ thực chất trong việc hoàn thành bộ Quy tắc ứng xử.

Mỹ cũng ủng hộ các nguyên tắc sáu điểm mà ASEAN đạt được gần đây về vấn đề Biển Đông.

Tuyên bố kêu gọi các bên làm rõ và theo đuổi các tuyên bố lãnh thổ và hàng hải theo quy định của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển, cho rằng các bên có tuyên bố chủ quyền cần tìm mọi con đường ngoại giao, hòa bình để giải quyết, bao gồm cả việc sử dụng trọng tài hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác khi cần thiết.

Theo TTXVN