“Việc Bộ Giao thông vận tải cho nhổ hết biển báo đón trả khách dọc quốc lộ đã gây ra nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định và người dân đi lại trên tuyến từ 2 năm nay”.
Một trong những nội dung của Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định xe khách chạy tuyến cố định chỉ được đón trả khách tại bến xe 2 đầu tuyến, không đón trả khách dọc đường... Cho dù Thông tư đã ra đời hơn hai năm nhưng cho tới nay, doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn tiếp tục phản ứng gay gắt. Nhiều người cho đây là một quy định quá cứng nhắc, gây lãng phí cho xã hội, không đáp ứng được nhu cầu đi lại hợp lý của người dân...
Quy định thì cứng nhắc nhưng trên thực tế nhiều nhà xe vẫn vô tư đón trả khách dọc đường. Ảnh minh họa. |
Thông tư này được ban hành với mục đích tốt đẹp ban đầu là nhằm hạn chế xe vừa chạy vừa bắt khách dọc đường, tranh giành hành khách của các hãng xe khác, gây hỗn loạn giao thông và mất an toàn cho người đi đường. Thực tế, nhiều người dân và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách có thương hiệu, quan tâm đến xây dựng chất lượng dịch vụ... đều phản đối nạn đón trả khách dọc đường một cách tùy tiện. Và họ cũng cho rằng, mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước loại trừ tuyệt đối nạn “xe dù”, “bến cóc”, lập lại trật tự, an toàn cho vận tải khách tuyến cố định là hợp lý.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Bến xe phía Nam (Hà Nội), lượng khách đi các tỉnh rất thấp. Xe đi tuyến Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh xuất bến thường chỉ có chưa đến 1/3 số ghế có khách. Trung bình chỉ đạt 25-30% hệ số ghế. Xe đi Đà Nẵng, đi các tỉnh Tây Nguyên, trung bình chỉ đạt 30- 40%. Chỉ có rất ít xe đi tuyến huyện một số tỉnh như Thanh Hóa là đạt khoảng 60% hệ số sử dụng ghế.
Thực trạng này đặt ra vấn đề nên chăng cơ quan quản lý cần xem xét, hoàn thiện hơn quy định hiện có, cho phép DN đỗ, đón khách tại các điểm mà doanh nghiệp đăng ký để hài hòa các lợi ích và tuân thủ tốt hơn các quy định pháp luật.
“Thông tư 14 có nhiều điểm mới, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động quản lý. Nếu Thông tư được thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ dẹp được nạn “xe dù”, “bến cóc”, tạo môi trường kinh doanh vận tải hành khách lành mạnh, đảm bảo an toàn cho hành khách. Tuy nhiên, nếu cứng nhắc áp dụng quy định, kiểm tra, giám sát phương tiện trên hành trình buộc đón trả hành khách tại bến xe, không đón trả hành khách dọc đường là làm khó nhà xe”, một chuyên gia cho biết.
Một chủ DN vận tải bức xúc: “Trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng của các bến xe, trạm dừng nghỉ chưa đáp ứng đủ về số lượng, chất lượng, nếu áp dụng cứng nhắc theo Thông tư 14 sẽ gây khó khăn cho DN vận tải. Theo tôi, nếu các DN vận tải có các đại lý bán vé, các trạm dừng riêng đảm bảo các tiêu chuẩn về trật tự, an toàn, vệ sinh... thì nên cho phép các DN sử dụng như một điểm đón khách tại các địa phương. Điều này vừa tạo thuận lợi cho hành khách cũng vừa tạo điều kiện cho DN vì không phải chịu lỗ”.
“Thường thì khi xe ra khỏi bến, lượng khách trên xe chưa tới 50%, có xe 30 chỗ ngồi nhưng chỉ có 3 khách. Nếu không cho DN đón khách dọc tuyến thì nhà xe chỉ có đói”, một chủ xe khác kêu trời.
Trước thực tế này, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho biết: “Việc Bộ Giao thông Vận tải cho “nhổ” hết biển báo đón trả khách dọc quốc lộ đã gây ra nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định và người dân đi lại trên tuyến từ hai năm nay. Chúng tôi sẽ khảo sát, thăm dò ý kiến của hành khách và các DN vận tải, dự kiến sẽ có kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị nghiên cứu chỉ đạo các cấp cho cắm lại biển báo đón trả khách dọc quốc lộ tại những điểm không ảnh hưởng đến an toàn giao thông”.
Trường Lưu