Bộ phim tôn vinh những người lính cứu hỏa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ phim “Đi về phía lửa” được trình chiếu vào dịp Tết Nguyên đán nhằm tôn vinh những người lính cứu hỏa cũng như công việc phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Đoàn làm phim đã thực hiện bộ phim bằng tất cả lòng ngưỡng mộ, sự trân trọng dành cho những người lính cứu hỏa, và bằng tất cả sự thấu hiểu cho nỗi đau của những người đã đi qua mất mát.
Hình ảnh quả cảm của những người lính cứu hỏa lao vào biển lửa cứu người dân. (Ảnh trong phim)
Hình ảnh quả cảm của những người lính cứu hỏa lao vào biển lửa cứu người dân. (Ảnh trong phim)

“Đi về phía lửa” - bộ phim độc quyền của truyền hình K+, bắt đầu lên sóng vào tối mùng 3 tết Nguyên đán (tức tối 12/2/2024). "Đi về phía lửa" được làm lại từ bộ phim ăn khách của Đài Loan đang có trên K+ mang tên “Nước mắt của hỏa thần”.

Tuy nhiên, đạo diễn Trần Thanh Huy tiết lộ kịch bản của bộ phim đã được điều chỉnh tới 98% so với bản gốc, đưa thêm những chất liệu, sự kiện, cảm hứng từ đời thực nhằm mang tới một sản phẩm đầy cảm xúc, gần gũi và thấm đẫm tinh thần, văn hoá Việt Nam.

Theo đạo diễn Trần Thanh Huy, việc nghiên cứu và tìm ra chất liệu cảm xúc cho bộ phim cũng mất rất nhiều thời gian. Đoàn làm phim đã làm việc với những người lính phòng cháy chữa cháy thực sự, đi thực tập, chữa cháy, quan sát những lần chữa cháy lớn, theo dõi cách người trong nghề thực chiến, thậm chí còn phải bổ túc lý thuyết cũng như học cách vận hành trang thiết bị, xe cộ, quần áo cho đúng.

"Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu về tính cách của những người lính phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, từ nếp sinh hoạt đến lối sống, các mối quan hệ hay cả những câu thoại, những cuộc chuyện trò vu vơ giữa họ. Chúng tôi đều nghiên cứu rất kỹ và mang tất cả chất liệu đó vào bộ phim.", ông Huy cho biết.

Bộ phim khi có nhiều đại cảnh phức tạp như cháy chung cư, cháy chợ, cháy hẻm... (Ảnh trong phim)

Bộ phim khi có nhiều đại cảnh phức tạp như cháy chung cư, cháy chợ, cháy hẻm... (Ảnh trong phim)

Khi bắt tay vào dự án, đạo diễn Trần Thanh Huy luôn đặt tiêu chí chân thực lên hàng đầu nên đã gặp rất nhiều thách thức suốt quá trình bấm máy. “Có thể nói đây là bộ phim hội tụ mọi thứ khó nhất của nghề làm phim khi có nhiều đại cảnh phức tạp như cháy chung cư, cháy chợ, cháy hẻm, cứu hộ cứu nạn ở những địa hình hiểm trở, sông sâu, núi cao... Trong phim có những cảnh quay vô cùng phức tạp, quy mô “không khác gì phim điện ảnh”, đạo diễn chia sẻ.

Để thực hiện được những cảnh quay này, đồng thời tái hiện chân thực nhất bối cảnh hiện trường, đoàn làm phim đã nhận được sự trợ giúp và tư vấn nhiệt tình của Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn PC07, Thành phố Đà Nẵng.

“Tôi còn nhớ khi quay một cảnh cháy xe hơi, tổ sản xuất phối hợp cùng các chiến sĩ PCCC & CNCH chuẩn bị 2 xe chữa cháy có nước và hoá chất chuyên dụng để dập lửa. Vậy nên khi thực hiện cảnh quay này, tôi và ekip rất tự tin để ghi hình”, đạo diễn Trần Thanh Huy kể lại.

Các diễn viên trực tiếp tham gia vào quá trình rèn luyện đầy gian khổ, khắc nghiệt cùng các chiến sĩ chuyên nghiệp. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Các diễn viên trực tiếp tham gia vào quá trình rèn luyện đầy gian khổ, khắc nghiệt cùng các chiến sĩ chuyên nghiệp. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Bốn tên tuổi được "chọn mặt, gửi vàng" cho vai chính trong dự án này là Lãnh Thanh, Trần Ngọc Vàng, Xuân Phúc, Hồ Thu Anh. Để hóa thân vào những nhân vật có nghề nghiệp vô cùng đặc biệt này, các diễn viên đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu và trực tiếp tham gia vào quá trình rèn luyện đầy gian khổ, khắc nghiệt cùng các chiến sĩ chuyên nghiệp và tự thực hiện những cảnh quay hành động nguy hiểm, có độ khó cao.

Lãnh Thanh tâm sự, trong một phân cảnh phải lao vào "biển lửa" để làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chứng kiến cảnh người gặp nạn nằm chồng chất lên nhau, thậm chí chính anh còn vô tình dẫm lên tay của một xác chết nằm ngổn ngang. Tư thế ra đi trong tuyệt vọng của những xác người chìm trong khói khiến Lãnh Thanh bị ám ảnh: “Khói thế này thì sống làm sao nổi chứ đừng nói tới quay phim”.