Bộ phim về chàng trai tật nguyền vẽ truyền thần bằng miệng được đề cử giải Oscar

(PLO) -Sinh ra đã kém may mắn phải mang cơ thể dị tật, sáu tháng tuổi, Lê Minh Châu (SN 1991, quê Đồng Nai) được gửi vào làng trẻ Hòa Bình (TP.HCM). “Không tay, không chân”, cậu bé lớn lên ở trại trẻ nuôi dưỡng trẻ em bị chất độc màu da cam và dành hết tình yêu cho hội họa. Nhìn đôi tay teo liệt khẳng khiu, đôi chân co quắp, u cục của Châu, không ai nghĩ chàng trai tật nguyền ngày ấy hiện có thể trở thành một họa sĩ vẽ truyền thần nổi tiếng.
Châu với biệt tài vẽ tranh bằng miệng.
Châu với biệt tài vẽ tranh bằng miệng.

Tuổi thơ trong làng trẻ

Chiều muộn, gặp Châu tại một quán cà phê nhỏ ven đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM). Chàng trai dáng nhỏ thó, đội mũ lưỡi trai, hai cánh tay “que củi” buông thẳng, đôi chân cũng khẳng khiu không thể di chuyển linh hoạt.

Chân phải bị liệt khiến Châu phải đi bằng đầu gối, mỗi bước lê lết khập khiễng khó nhọc. Chiếc ba lô to quá khổ so với cơ thể phải nhờ một người bạn đi cùng xách hộ. Nhìn chiếc ghế cao quá đầu, Châu dùng đầu gối chân phải làm trụ, chân trái bắt lên thành ghế, gồng mình xoay trở một lúc cũng ngồi được gọn gàng. Gương mặt chàng trai lấm tấm mồ hôi nhưng nụ cười tỏa sáng.

Châu cười hiền kể anh vốn là con thứ ba trong gia đình có bốn anh em. Cả gia đình sinh sống nhờ nghề làm rẫy ở miền núi thuộc huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai). Bố mẹ và những người anh chị, em của Châu đều bình thường, chỉ mình Châu từ khi sinh ra đã bị tật nguyền. 

Châu bước đầu thực hiện được ước mơ sở hữu phòng tranh riêng.
Châu bước đầu thực hiện được ước mơ sở hữu phòng tranh riêng.

“Nghe người thân kể lại mình sinh ra cơ thể đã rất “lạ”, chân và tay đều teo tóp, cẳng chân phải bị bẻ ngược lại phía sau, lại rất hay đau yếu, bệnh tật. Khi đó cha mẹ rất buồn nhưng hết lòng thương yêu, chăm sóc.

Song lúc mình được sáu tháng tuổi, kinh tế trong nhà cạn kiệt, không thể chăm sóc tốt cho mình, cha mẹ đành phải chia cắt “khúc ruột”, gửi mình xuống làng trẻ Hòa Bình ở TP.HCM (làng trẻ chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em bị di chứng chất độc màu da cam - PV)”, Châu kể. 

Từ đó Châu lớn lên trong sự chăm sóc của các cô giáo trong làng trẻ. Đối với Châu, họ vừa là cô giáo vừa như những người mẹ thứ hai, chăm lo cho anh từng miếng ăn, giấc ngủ, lúc trái gió bệnh tật....

Từ khi 5 tuổi, Châu đã cố gắng tự ăn cơm, tự sinh hoạt cá nhân. Không đi được bình thường như những đứa trẻ khác, Châu tập lết bằng đầu gối. Anh tâm sự, nhiều khi vấp ngã dúi dụi, đầu gối chảy máu nhưng vẫn quyết tâm tập luyện để đi được.

Ăn bánh mì, sống gầm cầu, theo đuổi ước mơ

Do quá yếu, đến năm chín tuổi, Châu mới chính thức vào học lớp Một. Năm này cũng là mốc quan trọng trong cuộc đời chàng trai. Năm đó, trại trẻ mời một nữ họa sĩ về vẽ tranh tường cho lớp học. Mỗi ngày nữ họa sĩ thực hiện những bức vẽ, Châu và một số người bạn đều thích thú theo dõi học cách pha màu. Sáng dạ lại chăm chỉ, Châu tiếp thu rất nhanh. Không lâu sau, cậu học trò đặc biệt được nữ họa sĩ đặc cách nhận làm học trò.

Châu chia sẻ: “Lúc đó được học vẽ, mình rất vui. Ngày đi học văn hóa, đêm về mình không thể chợp mắt được lại lấy bút chì ra vẽ. Sợ các bạn thấy sẽ trêu chọc, mình lại giấu bản vẽ dưới nệm”.

Châu kể, ban đầu tuy hai cánh tay rất yếu nhưng anh vẫn có thể cầm cọ đi nét nhẹ nhàng. Nhưng trong một lần vui đùa cùng các bạn, Châu bị chấn thương không thể cầm cọ được nữa. Quyết tâm không từ bỏ niềm đam mê, anh ngày đêm ngậm cọ tập vẽ bằng miệng. 

Để có được thành quả như ngày hôm nay, Châu đã trải qua một thời gian dài khổ luyện. Anh kể: “Tay đưa nét vẽ sao cho mềm mại đã khó, vẽ bằng miệng còn khó hơn gấp bội lần. Mình phải tập ngậm chặt cọ để cọ không bị rơi, khi di chuyển nét vẽ phải di chuyển cả phần đầu và căng toàn bộ cơ thể,... phải tập đưa nét mềm, phải thổi hồn và thần thái vào bức tranh mới có được tác phẩm hoàn thiện. Nhiều khi sau những buổi tập, cả vùng miệng cứng đờ, đau đớn, không thể ăn được cơm”.

Nung nấu ước mơ trở thành một họa sĩ hoặc nhà thiết kế thời trang có thể thỏa sức sáng tạo và tự nuôi sống bản thân, năm 16 tuổi, Châu xin rời làng trẻ Hòa Bình, về quê nhà ở Đồng Nai học thêm công nghệ thông tin. Sau nhiều lần đi xin việc bị từ chối do cơ thể dị tật, những đồng tiền cuối cùng cũng cạn, suốt hai năm sau đó, Châu cùng người cha phải xin ở nhà chùa.

Thương cha cực khổ, Châu quyết định trở lại Sài Gòn xin vào làm trong một công ty thiết kế giày dép. Sau một năm trau dồi kinh nghiệm, không từ bỏ đam mê hội họa, Châu lại quyết định rời đi. Anh xúc động nhớ lại: “Sau nhiều lần xin việc thất bại, chuyển công việc, có lúc mình đã nản chí. Có khi kinh tế khó khăn, không có chỗ ở, mình phải sống dưới gầm cầu, ăn bánh mì nhưng vẫn cố gắng cầm cự”.

Năm 2007, Châu được nhận vào học tập và làm việc tại thư viện của Trung tâm dạy nghề huyện Hóc Môn (TP.HCM). Tại đây, anh được học thêm lớp đồ họa trên máy tính và học vẽ tranh sơn dầu. Với những kỹ năng vốn có, anh sớm trở thành “hiện tượng lạ” được nhiều người ngưỡng mộ vì khả năng vẽ tranh sơn dầu bằng miệng theo phong cách truyền thần rất đẹp, độc đáo. 

Nghị lực được thế giới công nhận

Bằng những nỗ lực không mệt mỏi vượt lên chính mình, Châu đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi nghệ thuật, hội họa. Anh từng lọt vào top 3 xuất sắc ở các cuộc thi của Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Nét vẽ xanh và nhiều cuộc thi khác của trường học và TP.HCM tổ chức, giành giải khuyến khích trong cuộc thi “Chiến thắng nỗi đau” được tổ chức toàn quốc.

Ngoài ra, Châu còn được các tổ chức xã hội mời tham dự chia sẻ về cuộc đời mình. Đặc biệt, anh đã bước đầu thực hiện được ước mơ, sở hữu một phòng tranh mang tên mình. 

Tháng 6 vừa qua, Châu vinh dự là đại biểu duy nhất đại diện cho người khuyết tật Việt Nam được mời tham dự Hội nghị lần thứ 9 về Công ước quyền của người khuyết tật (CRPD) được tổ chức tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ). Hội nghị diễn ra từ ngày 12 đến ngày 19/6. Châu còn được tham quan Bảo tàng lịch sử, các phòng tranh của những họa sĩ nổi tiếng tại New York.

Thành công vượt lên bản thân đã đưa Châu trở thành nhân vật chính trong bộ phim tài liệu “Chau, beyond the lines” (tạm dịch: “Châu, vượt tuyến”) nổi tiếng. Bộ phim do nữ đạo diễn người Mỹ Courtney Marsh thực hiện sau nhiều năm ấp ủ đã lọt tốp 5 đề cử chính thức tranh giải Oscar lần thứ 88 (năm 2016) ở hạng mục phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất. 

Châu phấn khởi kể, anh may mắn được gặp nữ đạo diễn Courtney vào năm 2007, khi cô sang Việt Nam thực tập cho một dự án làm phim tài liệu của trường. Những thước phim sống động về cuộc sống hàng ngày và công việc của Châu bắt đầu được nữ đạo diễn bấm máy khi anh còn làm việc ở Trung tâm dạy nghề huyện Hóc Môn. 

“Hồi đó, Courtney quay rất nhiều bạn. Vì vậy, mình rất bất ngờ khi biết mình trở thành nhân vật chính. Cô ấy đã rất kiên trì theo đuổi bộ phim, mãi đến năm 2014, những thước phim cuối cùng mới kết thúc”, Châu kể. 

Anh vui vẻ chia sẻ: “Hay tin bộ phim mình đóng nằm trong giải thưởng Oscar danh giá ở hạng mục phim tài liệu, mình vô cùng sung sướng. Hi vọng bộ phim sẽ để lại ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế và những câu chuyện như thế sẽ giúp khuyến khích mọi người, dù gặp khó khăn như thế nào cũng cố gắng vươn lên, sống hoài bão và thực hiện đam mê theo cách riêng của mình...”.