Theo đó, Bộ yêu cầu các địa phương triệt để cải cách hành chính trong quy trình tuyển quân; áp dụng công nghệ thông tin, nắm chắc lai lịch công dân; kết hợp làm gọn, nhanh các thủ tục, hồ sơ nhằm hạn chế thấp nhất việc đi lại nhiều lần gây tốn kém thời gian, kinh phí của công dân.
Để bảo đảm nguyên tắc dân chủ, minh bạch trong tuyển quân, UBND cấp xã phải chỉ đạo các thôn thực hiện bình cử và đề xuất những công dân trong diện sẵn sàng nhập ngũ (cấp thôn có quyền bàn bạc việc gọi nhập ngũ, tạm hoãn vì họ hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình). Danh sách công dân thuộc diện tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ; danh sách nhập ngũ; kết quả phân loại sức khỏe phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, tổ chức liên quan trong thời hạn 20 ngày.
Theo Thông tư 148, các địa phương phải đánh giá tỉ mỉ những trường hợp xăm hình, xăm chữ nhằm không để sót lọt những chiến sĩ vi phạm quy định nhập ngũ vào Quân đội cũng như lợi dụng để trốn tránh nghĩa vụ quân sự.... “Cụ thể, hình xăm, chữ xăm đó có tẩy xóa được hay không? Có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tính kinh dị, kỳ quái, kích động, tình dục hay không?”, Đại tá Tấn nói.
Ông nêu rõ, hình xăm, chữ xăm gây phản cảm, lộ diện, phản ảnh không đúng về tôn giáo, tín ngưỡng, trái với thuần phong, mỹ tục, văn hóa, con người Việt Nam, tư tưởng thiếu niềm tin, tiêu cực, mê tín, dị đoan, mang biểu tượng của lực lượng vũ trang nước ngoài thì kiên quyết không tuyển chọn nhập ngũ.
Theo Đại tá Tấn, sau khi nhập ngũ vào Quân đội và hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ 24 tháng; hạ sĩ quan, binh sĩ có thể được xét tuyển chọn phục vụ lâu dài trong Quân đội nếu có đủ điều kiện như: văn bằng, chứng chỉ ngành nghề đào tạo của hệ quân sự, bác sĩ trong thời gian tại ngũ hoặc đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trước khi nhập ngũ; ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị; nhu cầu chức danh, biểu tổ chức biên chế và các tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, sức khỏe theo quy định của Bộ Quốc phòng...