Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh do Ban Dân nguyện chuyển tới, với nội dung: “Đề nghị có chế độ đãi ngộ riêng đối với sĩ quan công tác tại vùng biên giới".
Nội dung trên được Bộ Quốc phòng trả lời như sau:
Theo quy định hiện hành (Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nói chung và sĩ quan nói riêng khi đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nơi xa xôi, hẻo lánh, đảo xa đất liền, vùng biên giới có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn... ngoài chế độ tiền lương, tùy theo từng điều kiện, đối tượng cụ thể còn được hưởng chế độ phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút, phụ cấp biên giới...
Các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành đã thể hiện sự quan tâm, ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang khi đến công tác, làm việc ở vùng sâu, vùng biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn (trong đó đã bao gồm sĩ quan công tác ở vùng biên giới), bảo đảm cân đối với hệ thống chính sách chung của nhà nước hiện nay.
Với kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai về chính sách giữ chân người dân tại các vùng hải đảo của Tổ quốc, phải có chính sách ưu đãi để họ yên tâm ở lại gắn bó xây dựng gia đình mới ở đảo lâu dài”, Bộ Quốc phòng cho biết nội dung này không thuộc phạm vi chức năng trực tiếp của Bộ. Tuy nhiên, Bộ khẳng định đây là vấn đề quan trọng mang tính chiến lược đối với cả phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
|
Bộ Quốc phòng khẳng định, chính sách giữ chân người dân tại các vùng hải đảo của Tổ quốc là vấn đề quan trọng mang tính chiến lược đối với cả phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia. (Ảnh minh hoạ) |
Nội dung kiến nghị này nằm trong đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được xác định trong văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng và được xác định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Bộ Quốc phòng, hiện nay, Đảng, Nhà nước đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các vùng biển đảo như: Chính sách hỗ trợ kinh tế; chính sách cải thiện đời sống; chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách khuyến khích phát triển du lịch và kinh tế biển...
Đặc biệt, ngày 15/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 590/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và hướng dẫn thực hiện cụ thể tại Thông tư số 24/2023/TT/BNNPTNT ngày 21/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.