Bỏ quy định diện tích quảng cáo trên báo điện tử?

Tiếp tục Phiên họp lần thứ 7, hôm qua (17/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quảng cáo, Luật Điện lực và cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

Tiếp tục Phiên họp lần thứ 7, hôm qua (17/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quảng cáo, Luật Điện lực và cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cấm quảng cáo một số loại hàng “đặc biệt”

Theo dự thảo Luật do Chính phủ trình, các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo bao gồm: Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; Thuốc lá; Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục; Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

Đối với các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, nhiều ý kiến đồng tình như dự thảo Luật (quảng cáo làm lộ bí mật nhà nước, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội...)

Nhiều ý kiến đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Quảng cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Theo đó, mỗi sản phẩm quảng cáo, ngoài việc đảm bảo thông tin chính xác, còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục.

Riêng đối với rượu, nhiều ý kiến đồng tình tai nạn giao thông do người uống rượu gây ra hiện đang là vấn đề nhức nhối nên việc hạn chế quảng cáo rượu là cần thiết, song cũng phải phù hợp với phong tục, tập quán cũng như các điều ước quốc tế đã ký kết. Mặt khác, cũng không làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung.

Thẩm tra dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị trước mắt tập trung mở rộng chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế đối với thân nhân (không giới hạn độ tuổi) của liệt sĩ, thân nhân (bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18  tuổi nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên) của người có công bị suy giảm từ 61% sức lao động trở lên là thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến.

Một số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung cấm định kiến về giới trong quảng cáo; bổ sung các quy định hành vi tương ứng trong hoạt động quảng cáo; quy định cụ thể một số sản phẩm hạn chế quảng cáo; chú trọng hơn đến những quy định về nội dung quảng cáo, tránh những quảng cáo phản cảm, phi thực tế… 

“Bắt” xem nhiều quảng cáo là không hợp lý

Về quy định diện tích quảng cáo trên báo điện tử, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đặc thù về tính năng, công nghệ của phương tiện điện tử này, khác với các loại hình báo chí thông thường, người sử dụng có thể hoàn toàn chủ động tắt, mở các nội dung mình cần, do vậy không cần thiết phải quy định diện tích quảng cáo. Dự thảo Luật đã bỏ quy định về diện tích quảng cáo trên báo điện tử.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lựa chọn của độc giả, Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định như: phần quảng cáo cố định không được lẫn vào phần nội dung tin; đối với quảng cáo không cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây sau khi nhấp chuột.

Riêng quy định về quảng cáo trên báo hình, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị cần xem xét lại quy định thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo. Theo bà Trương Thị Mai với những kênh truyền hình trả tiền, người dân đã phải mua gói truyền hình mà còn bắt họ phải xem quá nhiều quảng cáo, chiếm tới 5% tổng thời lượng là điều cần cân nhắc. 

Bình An

Đọc thêm