Hội đủ thế và lực
Để Việt Nam vươn tới một kỷ nguyên mới, đất nước cần phải có một nền tảng vững chắc. Việc xây dựng nền tảng này không chỉ dựa vào các yếu tố vật chất, mà quan trọng hơn là tạo dựng được sự thống nhất, đồng lòng trong tư duy và hành động, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân.
Những thành tựu vĩ đại đạt được sau gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực. Cùng với đó, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ…
Chỉ tính riêng trong năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới). Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điểm sáng và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.
Cũng trong năm 2024, chúng ta đã hoàn thành Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình năng lượng trọng điểm; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021km. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chỉ đạo quyết liệt với tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” từ thực tiễn... “Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Đủ quyết tâm và ý chí
“Câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là: Đã đủ” - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (diễn ra đầu tháng 12/2024). Như vậy, đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới.
Trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (tháng 10/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.
Với tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, khát vọng vươn lên trở thành yếu tố quan trọng trong quá trình bứt phá của đất nước. Khát vọng đó không chỉ nằm ở việc tăng trưởng kinh tế, mà còn phải nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo. Đây là một bài toán rất khó, chỉ có phép giải rút gọn mới ra đáp số kịp thời gian. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những “điểm nghẽn” và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể “cất cánh”. Một trong những giải pháp được người đứng đầu Đảng ta đề ra là đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Cùng với đó, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phải tinh - gọn - mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. “Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị” - Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ.
Có thể nói, các chủ trương, chính sách cho phát triển đã khá đầy đủ. Bây giờ là lúc phải hành động. Từng Bộ, ngành, địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo. Nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”; “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Những công trình vươn tới khát vọng
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, từ sau Hội nghị Trung ương 10 đến nay, cả hệ thống chính trị đã có những chuyển động mạnh mẽ, vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới nhằm tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân… Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với Nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Đã đủ thế và lực, ý chí và quyết tâm bước vào kỷ nguyên mới. |
Điều mà Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh là việc bứt phá không đơn giản thay đổi về tư duy, mà là sự đột phá thực sự về hành động. Trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, ngay tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết với tỉ lệ tán thành cao chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. “Đây không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Cũng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc làm này được coi là một quyết sách mang tính chiến lược, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và hạn chế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Điện hạt nhân sẽ là nguồn năng lượng sạch, bền vững cho sự phát triển dài lâu. Theo đánh giá của các chuyên gia, thời điểm này là phù hợp để Việt Nam phát triển dự án điện hạt nhân, bởi đó chính là xu hướng toàn cầu. Năng lượng điện hạt nhân sạch sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép, vừa tăng trưởng kinh tế, vừa đáp ứng mục tiêu Net Zero.
Ngoài những công trình, dự án kể trên, trước mắt, từ nay đến trước 31/12/2025, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã nêu quyết tâm hoàn thành ít nhất 3.000km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, các công trình lớn, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước… Trên cơ sở đó tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ thể hiện khát vọng lớn lao, mà còn vạch ra những chiến lược rõ ràng để đưa đất nước vượt qua những thách thức, mở ra một kỷ nguyên mới đầy triển vọng của dân tộc.