Đề nghị thẩm định theo “một cách khác”
Sự việc gây nhiều tranh cãi khi ngày 12/9/2019, Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) cho biết 3 cuốn sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại (gồm Toán, Tiếng Việt và Đạo đức) không vượt qua vòng thẩm định đầu tiên. Ngày 23/9/2019, PGS Nguyễn Kế Hào thay mặt Trung tâm Công nghệ giáo dục gửi kiến nghị tới Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về kết quả thẩm định.
Ngày 25/9/2019, Bộ GD-ĐT gửi công văn phản hồi PGS Nguyễn Kế Hào, trong đó nêu tập thể tác giả mẫu sách Tiếng Việt 1 và Toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện và đề nghị thẩm định lại, nhưng GS Hồ Ngọc Đại từ chối…
Ngày 3/1/2020, Bộ GD-ĐT tổ chức đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại và PGS Nguyễn Kế Hào cùng các cộng sự. TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, trong 49 bản thảo SGK được gửi tới thẩm định, có 38 bản thảo được Hội đồng quốc gia đánh giá Đạt, 11 bản thảo được đánh giá “Không đạt”.
Theo quy định trong Thông tư 33, những bản thảo SGK “Không đạt” có thể sửa chữa, nộp thẩm định lại như thẩm định lần đầu. Thực tế hiện nay, phần lớn bản mẫu này đã được tác giả chỉnh sửa và gửi Bộ GD-ĐT thẩm định lại. Một số bản mẫu, tác giả muốn bảo lưu kết quả của mình nên không đề nghị thẩm định lại.
PGS.TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Toán nêu nguyên tắc không thể thay thế, khi quốc gia có một chương trình GDPT mới là cùng với đó phải có SGK được viết theo các yêu cầu của chương trình đó. Bộ sách này dứt khoát phải được thẩm định trước khi đưa vào triển khai trong các nhà trường. Những SGK dùng cho chương trình cũ sẽ không còn hiệu lực.
“Có một tiêu chuẩn rất quan trọng mà cả Bộ GD-ĐT và tất cả tác giả SGK phải tuân theo là SGK phải đáp ứng chương trình GDPT, cả về nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt. Cấu trúc SGK là cấu trúc chung của chương trình. Nhưng bản mẫu SGK của GS Hồ Ngọc Đại có cấu trúc được viết từ thời Liên Xô (cũ), làm đảo lộn cấu trúc của chương trình GDPT mới.
Hầu hết các phần nội dung trong sách Toán 1 của thầy được lấy từ lớp trên xuống, những yếu tố đại số được đưa xuống rất sớm”, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Toán lớp 1 nói. Ông cho rằng, học trò lớp 1 không cần thiết học những nội dung nặng nề của lớp trên và việc học Toán đối với trẻ lớp 1 nên được diễn ra một cách tự nhiên, phù hợp với tâm sinh lý của trẻ.
GS Hồ Ngọc Đại tại buổi đối thoại với Bộ GD-ĐT ngày 3/1 |
Còn GS.TS Mai Ngọc Chừ, thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt; PGS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá tốt tư tưởng và đóng góp của tài liệu Công nghệ giáo dục trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, giống các ý kiến ở trên, hai chuyên gia đều cho rằng, sách cần được chỉnh sửa để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, bởi chương trình là “pháp lệnh”, SGK là tài liệu cụ thể hóa chương trình.
PGS.TS Nguyễn Kế Hào thì cho rằng nên tiếp tục sử dụng tài liệu này như trong chương trình GDPT mới, nên thẩm định sách Công nghệ giáo dục theo “một cách khác”, PGS.TS Nguyễn Kế Hào đề nghị Bộ GD-ĐT chú trọng đánh giá của thực tiễn trong việc thẩm định các bản mẫu SGK.
Đối thoại bất thành
“Các ý kiến của Hội đồng thẩm định và đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đều kiến nghị GS Đại điều chỉnh lại sách Công nghệ giáo dục để phù hợp với chương trình GDPT mới và có thể tham gia giảng dạy trong các nhà trường phổ thông. Điều này rất tốt cho ngành Giáo dục vì thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK cần huy động các nguồn lực để làm sách và cần nhiều SGK hay cho học sinh.
Bộ GD-ĐT cũng rất mong muốn với cùng một công thức, một quy trình, một cách thẩm định SGK như đã làm với các cuốn sách khác, sách Công nghệ Giáo dục sẽ có cách phù hợp để đưa vào giảng dạy trong các trường học; không phải năm nay thì có thể là những năm sau”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Thế nhưng, vấn đề ở chỗ, quan điểm của GS Đại và Hội đồng thẩm định quốc gia về SGK mới không gặp nhau. Theo GS Đại, mục đích duy nhất của ông là sách Công nghệ giáo dục được sử dụng trong năm học mới. GS Đại cũng cho rằng SGK được biên soạn theo chương trình mới “là sản phẩm dịch vụ, đặt tiền rồi làm”, chứ không phải công trình khoa học có tuổi đời hơn 40 năm như sách Công nghệ giáo dục. Vì thế, GS Đại bảo lưu quan điểm sẽ không chỉnh sửa thêm bất cứ điều gì trong bộ sách Công nghệ giáo dục.
Còn PGS Nguyễn Kế Hào (đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục) cho rằng sách của GS Đại đã đi vào đời sống hơn 40 năm cần được thẩm định theo cách khác (được hiểu là không giống cách Hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT tiến hành). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc… không cần sửa chữa.
Về phía Hội đồng thẩm định SGK quốc gia, ý kiến cho rằng sách của GS Đại không phù hợp với chương trình mới chứ không phải chất lượng kém. Nguyên tắc là Chương trình nào thì sách đó; người làm sách cần xem xét mục tiêu, kết quả cần đạt của chương trình rồi xây dựng nội dung cho sách.
Khi có một chương trình mới thì cần những bộ SGK mới, không thể lấy lý do có nhiều học sinh đang học thì phải được tiếp tục. Còn theo GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Việt, cho rằng SGK cần được thẩm định theo tiêu chí chung. Nếu có ngoại lệ cho sách của GS Đại thì sẽ không công bằng cho các tác giả khác.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ bày tỏ trân trọng những đóng góp của GS Đại cho giáo dục, đồng thời mong muốn GS Đại và cộng sự điều chỉnh bộ sách Công nghệ giáo dục phù hợp với Chương trình mới để Hội đồng thẩm định lại và áp dụng vào các năm học sau. Ông Độ cũng mong bộ SGK của GS Đại được sử dụng trong nhà trường, nhưng về việc linh hoạt hay có ngoại lệ thì Bộ GD-ĐT không thể giải quyết và cũng không thể có một cách thẩm định khác.
Tuy nhiên, GS Đại cũng như PGS Hào đã không đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Độ và vẫn từ chối đề nghị chỉnh sửa bộ sách. Như vậy là “luận chiến” sửa hay không sửa, ngoại lệ hay không ngoại lệ, sử dụng hay không sử dụng đối với bộ SGK Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì vẫn không có hồi kết. Câu chuyện không chỉ gói lại trong “nhóm” làm SGK này với “nhóm” làm SGK khác, mà sâu xa hơn có lẽ chính là quan điểm phát triển “ý tưởng triết học” cho nền giáo dục, chí ít là ở bậc phổ thông.
Trong khi đó, GS Hồ Ngọc Đại phản biện: “Ở đây là 2 tư duy hoàn toàn khác nhau. Một tư duy bằng khái niệm, một tư duy bằng kinh nghiệm.” Vì vậy, ông không chỉnh sửa thêm bất cứ điều gì, “chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ là nội dung, còn sách Công nghệ giáo dục là lý tưởng, mà lý tưởng thì không thay đổi”.
Theo GS Ngô Bảo Châu, người từng học bộ sách này từ 40 năm trước thì nếu bỏ bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại, không được giảng dạy trong các nhà trường nữa thì thật đáng tiếc. Cùng với đó, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, họ sẽ tiếp tục cho con cháu họ học ở trường thực nghiệm của GS Đại để học chương trình này. Trẻ con học được thì không có gì là khó cả…