Liệu có tiêu cực?
Giữa tháng 6 vừa qua, Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chính thức chốt việc thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) thống nhất trên cả nước với nhiều sách SGK. Quy định này cũng đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK.
Sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ về việc lựa chọn SGK, quyền lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020-2021 do các hiệu trưởng cân nhắc, có tham khảo ý kiến giáo viên, phụ huynh và dựa trên đặc điểm của từng trường.
Thông tư hướng dẫn cần kết hợp hài hòa các quy định
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Thông tư hướng dẫn của Bộ về việc lựa chọn SGK cần có tầm nhìn xa, kết hợp hài hòa các quy định của Nghị quyết 88 của Quốc hội (đang có hiệu lực) và quy định của Luật Giáo dục (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020).
Nghị quyết 88 quy định các cơ sở giáo dục được lựa chọn bộ SGK trong các bộ sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt sử dụng. Còn Luật Giáo dục quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK. Và như vậy, một văn bản giao quyền cho cơ sở giáo dục, một văn bản giao quyền cho chính quyền địa phương.
Thực tế, nếu bị cơ chế độc quyền đè bẹp thì chủ trương xã hội hóa SGK khó thành công. Cũng như khi các NXB “bán bia kèm lạc” chiếm thị phần lớn thì các bộ sách khác bị dư thừa, lãng phí, chủ trương nhiều bộ SGK sẽ phá sản…
Song trước mắt, các trường sẽ mua trọn bộ 32 SGK lớp 1 để toàn bộ giáo viên đọc và cho ý kiến. Việc chọn SGK sẽ được các trường hoàn thành trước tháng 1/2020. Dự kiến, tháng 3/2020, Bộ GD&ĐT tập huấn chương trình mới cho giáo viên.
Nhưng làm thế nào để việc lựa chọn được dân chủ? Bởi trên thực tế, lâu nay, việc mua sắm thiết bị, sách vở, kể cả mua sách tham khảo phần lớn vẫn ảnh hưởng ít nhiều từ chỉ đạo cấp trên, kể cả là chỉ đạo bằng miệng. Lo ngại này là có cơ sở, đặc biệt khi dư luận có thông tin một nhà xuất bản (NXB) nọ có mối “quan hệ khăng khít” với Sở GD&ĐT một thành phố lớn.
Hiện dư luận đang quan tâm đến việc NXB Giáo dục Việt Nam có quyết định chi tiền thù lao hàng tháng từ 3,5 đến 6 triệu đồng cho 11 cán bộ thuộc Sở GD&ĐT TP HCM. Ngoài ra, từ năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam cũng chi tiền thù lao hàng tháng cho 15 cá nhân (gồm 14 người là chuyên viên các môn học thuộc phòng, ban của Sở GD&ĐT TP HCM) với mức tiền 2,5 triệu đồng/tháng/người.
Giải thích về các khoản chi lên đến hàng tỷ đồng này, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết việc này hoàn toàn đúng và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Tiền mà NXB chi cho các cá nhân là để họ giúp NXB biên soạn, chỉ đạo biên soạn nội dung sao cho phù hợp với từng vùng miền khác nhau. Các khoản chi này cũng được NXB tự cân đối tuỳ theo năng lực, đóng góp của các cá nhân khác nhau trong bộ sách.
Kiểm tra, đánh giá có công bằng?
Khi sử dụng SGK mới với nhiều bộ khác nhau thì việc kiểm tra, đánh giá, thi sẽ thế nào để đảm bảo công bằng cho mọi học sinh khi các em học các SGK khác nhau? Nhiều ý kiến băn khoăn, nếu mỗi địa phương lựa chọn một bộ sách khác nhau thì việc kiểm tra, đánh giá sẽ được thực hiện ra sao? Nếu học sinh chuyển học từ nơi này sang nơi khác liệu có bị ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức cũng như kiểm tra, thi khi hai nơi sử dụng 2 bộ (SGK) khác nhau?
Về vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT lý giải, khác với trước đây, một chương trình, một bộ SGK thì SGK được coi như pháp lệnh, khi chúng ta thực hiện một chương trình và nhiều bộ SGK thì chuẩn chương trình là quan trọng nhất.
Vì vậy, nếu trường hợp học sinh phải chuyển học từ nơi này sang nơi khác cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì ngữ liệu trong SGK chỉ là công cụ, phương tiện để các em thực hiện các hoạt động theo lệnh của thầy cô.
Cái lõi của việc thực hiện “Một chương trình, nhiều bộ SGK” là bám sát chương trình học, chứ không phải bám vào SGK. Thầy cô và học sinh sẽ yên tâm và dần quen với việc tài liệu SGK để sử dụng trong các hoạt động nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình mong muốn.
Việc đánh giá định tính sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh được thực hiện trong quá trình tổ chức hoạt động học, thông qua những sản phẩm học tập mà học sinh đã hoàn thành. Qua đó, giáo viên sẽ có những nhận xét, đánh giá để giúp học sinh tiến bộ.
Còn đánh giá để cho điểm là đánh giá định lượng, thông qua các bài kiểm tra, hay các sản phẩm học tập như bài trình bày hay bài viết thì sẽ có tiêu chí, bảng điểm, thang điểm, để quyết định điểm số này (như chấm một bài văn). Điều đó sẽ đảm bảo sự khách quan trong đánh giá. Quá trình kiểm tra, đánh giá phẩm chất và năng lực là đánh giá việc sử dụng kiến thức, kỹ năng của người học để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập, cũng như trong thực tiễn.
PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học - Bộ GD&ĐT cho biết: “Khi triển khai chương trình GDPT mới, về hình thức thi, kiểm tra đánh giá cơ bản không thay đổi gì so với hiện nay. Chỉ có nội dung đề thi, bài kiểm tra sẽ thay đổi theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học, không đánh giá sự ghi nhớ kiến thức một cách đơn thuần.
Cụ thể, yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập cũng như trong thực tiễn. Qua đó, đánh giá được sự phát triển về phẩm chất, năng lực của học sinh”.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, tất cả SGK đều đạt được biên soạn theo chương trình, đảm bảo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình. Các tiêu chí để biên soạn SGK, trong đó có cấu trúc mỗi bài học trong SGK đã được quy định trong Thông tư 33, gồm 4 phần cơ bản: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng.
Cách thể hiện trong các SGK khác nhau có thể khác nhau về kênh chữ, kênh hình, ngữ liệu, nhưng phải bảo đảm yêu cầu của chương trình. Việc kiểm tra, đánh giá, thi theo chương trình, không phụ thuộc vào ngữ liệu cụ thể trong SGK.
Hiện nay, thông tư về lựa chọn SGK đang được Bộ GD&ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, Thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình phê duyệt và ban hành, kịp thời gian cho các địa phương tổ chức lựa chọn SGK đáp ứng yêu cầu năm học mới.
Bộ GD&ĐT lên tiếng về “thù lao” sách giáo khoa
Bộ GD&ĐT vừa có ý kiến liên quan việc một số cán bộ Sở GD&ĐT TP HCM nhận thù lao hàng tháng từ NXB Giáo dục Việt Nam để biên soạn SGK mà báo chí phản ánh. Về việc này, Bộ GD&ĐT cho hay, theo quy định của Luật Xuất bản, việc liên kết với tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất bản quy định trách nhiệm của Tổng Giám đốc (Giám đốc) NXB. Vì vậy, Tổng Giám đốc (Giám đốc) NXB phải chịu trách nhiệm về đối tác, hình thức liên kết và giao kết hợp đồng liên kết đối với từng xuất bản phẩm (ở đây là SGK).
Trách nhiệm của đối tác (cá nhân, tổ chức) liên kết xuất bản với NXB đã được quy định trong Luật Xuất bản và các quy định có liên quan của pháp luật. Ngoài ra, nếu đối tác liên kết xuất bản là cán bộ, công chức nhà nước thì phải tuân thủ các quy định của Luật Công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng..., bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng tránh sự xung đột về lợi ích có thể xảy ra. Trong trường hợp này, NXB Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT TP HCM có trách nhiệm giải trình cụ thể về việc mà báo chí phản ánh.
Để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn SGK, Dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến dư luận rộng rãi đã quy định: “Người đã tham gia biên soạn, thẩm định SGK của các NXB không được tham gia vào Hội đồng” lựa chọn SGK.
Cùng với việc ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT, trong đó quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và cấp huyện, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở GDPT ở địa phương, Bộ sẽ cùng với các cơ quan quản lý ở địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tổ chức lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT để đảm bảo đúng thực hiện pháp luật, công bằng, công khai, minh bạch.