Theo đó, Chính phủ đồng ý với phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Chính phủ giao Bộ Công an căn cứ nội dung Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đáng chú ý theo Nghị quyết 112, nhóm thủ tục Đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã): Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
Thay thế bản khai nhân khẩu (HK01), phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú bằng một biểu mẫu mới bao gồm nội dung về thay đổi về nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), giảm tải các thông tin đã khai thác được trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.
Bỏ “Giấy chuyển hộ khẩu (HK07)” ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an; Bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.
Về thủ tục Đăng ký tạm trú tại Công an cấp xã: Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
Các nhóm thủ tục gồm: Tách sổ hộ khẩu; Cấp đổi sổ hộ khẩu; Cấp lại sổ hộ khẩu; Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; Xóa đăng ký thường trú; Xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; Hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; Cấp giấy chuyển hộ khẩu (các thủ tục kể trên được thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); nhóm thủ tục tại Công an cấp xã gồm: Cấp đổi sổ tạm trú; Cấp lại sổ tạm trú; Điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; Gia hạn tạm trú; Hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật.
Bãi bỏ các thủ tục hành chính này quy định tại Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
Cũng theo Nghị quyết nói trên, Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong hàng loạt lĩnh vực như xuất nhập cảnh, đăng ký phương tiện giao thông, phòng cháy chữa cháy, đăng ký, quản lý cư trú…
Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính và 7 Nghị định liên quan; Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ 24 thông tư, Thông tư liên tịch.
Việc thay đổi này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các văn bản luật khác, chủ yếu là văn bản dưới luật. Do đó, các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Tư pháp cần rà soát lại. Ngoài ra, khó khăn nhất hiện nay khi triển khai là nguồn lực, cả về kinh phí và cơ sở vật chất, con người, đào tạo nhân lực để làm lĩnh vực này. Thứ hai, để đồng bộ được các bộ, ngành, địa phương cũng là vấn đề khó bởi có những địa phương khó khăn, có những bộ, ngành khó khăn. Làm được hết mới tạo thuận lợi cho người dân, chứ không chỉ làm được tỉnh này hay tỉnh khác, bộ này, bộ kia rồi lại vướng, chỗ thì dùng, chỗ lại không dùng. Như vậy vẫn không mang lại hiệu quả nhưng mong muốn.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An: Bỏ là hoàn toàn hợp lý
Bỏ một số giấy tờ không có nghĩa là buông lỏng công tác quản lý. Thay vào đó, công tác quản lý vẫn được tiến hành một cách bình thường, thậm chí chặt chẽ hơn trên cơ sở các số liệu về dân cư mà các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ Công an, đang tiến hành hoàn thiện. Tôi nghĩ chủ trương này hoàn toàn hợp lý. Một là bỏ bớt giấy tờ, thủ tục cho dân, để mọi thủ tục được làm một cách nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời hơn. Thứ hai, việc này không ảnh hưởng đến việc quản lý của Nhà nước. Nếu làm vậy tiết kiệm về mặt kinh tế là rất nhiều. Ví dụ như công đi làm sổ hộ khẩu, tiền giấy để in ra đã nhiều lắm. Công đi làm chứng minh thì giấy, mực, công sức làm cũng rất nhiều. Quá trình chuẩn bị đã được tiến hành rất chu đáo nên đến thời điểm hiện nay, bỏ như thế là hoàn toàn hợp lý.
Ông Phan Văn Nam, Chánh án TAND tỉnh Điện Biên: Cần lộ trình hợp lý
Nghị quyết 112 vừa ban hành của Chính phủ là chủ trương rất thiết thực, tạo thuận lợi tối đa cho người dân cũng như công tác quản lý nhà nước. Việc quan trọng nhất là hoàn thiện một hình thức quản lý để thay thế sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân như hiện nay, đó chính là mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên việc bỏ Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân cần có lộ trình hợp lý. Bởi, hiện nay hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoàn thiện, không phải người dân nào cũng đã được cấp mã số định danh cá nhân. Vì vậy, trong một số trường hợp, vẫn phải thực hiện theo cách cũ, rồi hoàn thiện dần, để bảo đảm công tác quản lý nhà nước một cách tốt nhất.
Luật sư Phan Thị Lam Hồng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội: Bước ngoặt mới trong việc thay đổi phương thức quản lý
Trước đây, việc quản lý xã hội dựa vào Sổ hộ khẩu và Chứng minh nhân dân là biện pháp tương đối chặt chẽ và nghiêm ngặt. Dựa vào đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý xã hội có thể quản lý chặt chẽ con người, quản lý cư trú. Tuy nhiên, chính việc quản lý này lại tạo một số hạn chế liên quan đến quyền đi học, quyền làm việc của công dân,… Để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý con người, quản lý xã hội, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quản lý dân cư, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP, theo đó nhiều thủ tục hành chính giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an đã được loại bỏ, có thể nói rằng với việc ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP Chính phủ đã tạo ra một bước ngoặt mới trong việc thay đổi phương thức quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cải cách thủ tục hành chính theo hướng khoa học, hiện đại. Bởi việc bỏ Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân sẽ tạo thuận lợi cho người dân trong việc làm các thủ tục giấy tờ liên quan đến nhiều lĩnh vực bởi hiện nay, một lượng lớn người dân nhập cư khi đến làm việc sinh sống tại các thành phố lớn đều gặp khó khăn mỗi khi phải làm các thủ tục giấy tờ vì phải quay về địa phương cư trú để xin xác nhận và làm các giấy tờ liên quan.
Tuy nhiên, để Nghị quyết này thực hiện trên thực tế cũng không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, cụ thể như: Thứ nhất, sau khi bỏ Sổ hộ khẩu, Chứng minh thư sẽ có một lực lượng cán bộ quản lý nhân khẩu, hộ khẩu dôi dư và đặt ra vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho bộ phận này như thế nào. Thứ hai, việc quản lý nhân khẩu sẽ phải thay đổi cách thức từ hành chính như trước đây sang hệ thống điện tử. Thêm vào đó, cần có tính liên thông, kết nối giữa các địa phương và đòi hỏi cán bộ am hiểu công nghệ để khi có vấn đề cần tra cứu có thể tìm được ngay.
Thẩm phán Trương Việt Toàn, Thẩm phán TAND TP Hà Nội: Thực hiện các thủ tục hành chính sẽ đơn giản hơn
Việc Chính phủ thông qua đề xuất của Bộ Công an về bỏ Sổ hộ khẩu, bỏ Chứng minh nhân dân là một việc làm tốt, được hoan nghênh. Bởi điều này đảm bảo đúng tinh thần của Hiến pháp, công dân có quyền tự do đi, lại cư trú, đảm bảo quyền con người theo Hiến pháp.
Việc loại bỏ Sổ hộ khẩu và Chứng minh nhân dân là một bước cải cách thủ tục thiết thực và quan trọng trong việc tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền công dân của mình cũng như chính quyền thực hiện tốt công việc quản lý về dân cư. Theo đó, người dân sẽ được hưởng các dịch vụ công như y tế, giáo dục, viễn thông… công bằng, không còn bị hạn chế bởi ranh giới cư trú theo Sổ hộ khẩu. Bên cạnh đó, việc xin các loại giấy tờ, thực hiện các thủ tục xin đi học, đi làm… cũng thuận tiện hơn. Việc quản lý dân cư, thực hiện các thủ tục hành chính cho công dân cũng đơn giản, gọn nhẹ hơn. Cán bộ thực hiện công vụ cũng không thể đưa ra những lý do liên quan đến hộ khẩu để đòi hỏi, sách nhiễu hay cản trở việc người dân thực hiện các quyền nhân thân và tài sản của mình - Hồng Mây - Hà Dung