Bổ sung biên chế giáo viên: Bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

(PLVN) -  Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa có văn bản trả lời một số kiến nghị của cử tri về biên chế giáo dục và cơ chế, chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn…
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần xây dựng nhà công vụ giáo viên để tạo điều kiện cho giáo viên dạy liên trường, giúp giáo viên yên tâm công tác, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. (Ảnh minh họa)
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần xây dựng nhà công vụ giáo viên để tạo điều kiện cho giáo viên dạy liên trường, giúp giáo viên yên tâm công tác, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. (Ảnh minh họa)

Ưu tiên biên chế giáo viên địa bàn vùng sâu, vùng xa

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi tới trước Kỳ họp thứ 4, đề nghị Chính phủ bổ sung đủ biên chế giáo viên cho tỉnh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2025/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư số 16/2027/TT-BGDĐT để đáp ứng quy mô phát triển trường, lớp và nhu cầu học tập của học sinh. Trong trường hợp Trung ương không bổ sung đủ biên chế giáo viên cho năm học 2022-2023, đề nghị có văn bản cho phép địa phương không tiếp tục tinh giản biên chế giáo dục và được phép hợp đồng giáo viên đứng lớp trong định mức quy định, kinh phí trả lương hợp đồng trong phạm vi ngân sách địa phương tự cân đối.

Cũng về vấn đề này, cử tri tỉnh Bình Phước phản ánh: hiện nay, số lượng học sinh tăng hằng năm, dẫn đến số lượng trường, lớp tăng, trong khi đó biên chế của ngành Giáo dục không tăng mà còn bị cắt giảm. Đề nghị xem xét, điều chỉnh, bổ sung biên chế giáo viên cho các tỉnh, thành phố để bảo đảm việc giảng dạy ở các địa phương.

Trả lời cử tri, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập (Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022). Trong đó tỉnh Gia Lai được bổ sung 1.244 biên chế giáo viên năm học 2022-2023. Tỉnh Bình Phước được bổ sung 198 biên chế giáo viên năm học 2022-2023.

Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026, báo cáo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026, theo Quyết định số 72-QĐ/TW nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai và Bình Phước có ý kiến với UBND tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương tổ chức tuyển dụng giáo viên theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 2/8/2022 về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW; tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể.

Đồng thời, cần xây dựng nhà công vụ giáo viên để tạo điều kiện cho giáo viên dạy liên trường, giúp giáo viên yên tâm công tác, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Đặc biệt, ưu tiên biên chế giáo viên đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn hoặc bố trí kinh phí để hợp đồng lao động đối với những trường còn thiếu biên chế để tuyển giáo viên.

Nghiên cứu có những chính sách đặc thù đối với các giáo viên tại xã vùng III hoàn thành nông thôn mới

Theo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, cử tri tỉnh kiến nghị, hiện nay, khi các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hoàn thành nông thôn mới, một số chế độ chính sách của giáo viên bị cắt, đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, không yên tâm công tác. Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, thu hút riêng để giáo viên yên tâm công tác, đặc biệt đối với các giáo viên công tác tại những xã vùng III hoàn thành nông thôn mới.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ GD&ĐT dẫn quy định tại Điều 3 Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và cho biết, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thì các xã thuộc khu vực I thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II.

Tuy nhiên, điều kiện các xã này vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho giáo viên đang công tác tại các xã thuộc khu vực này, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan lập Đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, trong đó sẽ xét đến các đối tượng này để đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo ở khu vực II, khu vực III.

Bộ GD&ĐT đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai có ý kiến với UBND tỉnh để có những chính sách đặc thù riêng nhằm hỗ trợ giáo viên nói chung và giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai nói riêng.

Đọc thêm