Bổ sung thêm đối tượng áp dụng
Ngày 15/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2021/NĐ-CP (NĐ 67) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP (NĐ 167) ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất...
Một trong những điểm mới được NĐ 67 được sửa đổi, bổ sung là bỏ quy định về việc không thực hiện sắp xếp lại đối với “Nhà, đất của công ty cổ phần (CTCP) được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng hợp pháp sau thời điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH)” (điểm a khoản 2 Điều 1 NĐ 167).
Theo ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (QLCS) (Bộ Tài chính), đây là sửa đổi để phù hợp với thực tế vì các tài sản này vẫn thuộc sở hữu của doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ (thuộc đối tượng sắp xếp).
Đồng thời NĐ 67 bổ sung quy định loại trừ một số nhà, đất ra khỏi phạm vi phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý do các nhà, đất này đã được điều chỉnh cụ thể tại các pháp luật khác như pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở,...
Cùng với đó, NĐ 67 (khoản 2 Điều 1) cũng đã sửa đổi quy định về đối tượng “DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (DN nhà nước); CTCP và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (CTCP)” phải thực hiện sắp xếp tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 167 để quy định rõ hơn về đối tượng DN phải thực hiện sắp xếp bao gồm cả DN cấp I, cấp II, cấp III (quy định tại NĐ 67).
Thực hiện chuyển tiếp thế nào?
Với việc bổ sung thêm đối tượng áp dụng, NĐ 67 đã quy định xử lý chuyển tiếp nhà, đất của CTCP trước đây không thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất nhưng nay lại thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Chia sẻ cụ thể hơn về nội dụng này, Cục trưởng Cục QLCS La Văn Thịnh cho biết, theo quy định tại Quyết định 09/2007/QĐ-TTg, các công ty nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển đổi sở hữu (CPH) trước ngày 08/3/2007 thì không thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, không phân biệt tỷ lệ (%) vốn do Nhà nước nắm giữ. Nay, để quản lý chặt chẽ quỹ nhà, đất của các DN cổ phần do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ, Nhà nước thực hiện sắp xếp lại nhà, đất của các đối tượng này.
Để quá trình quản lý, sử dụng nhà, đất được liên tục, đúng pháp luật, NĐ 67 đã quy định việc xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp nhà, đất của CTCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ mà trước ngày 01/01/2018 không thuộc đối tượng áp dụng Quyết định 09/2007/QĐ-TTg, nay thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (mục 6 khoản 19 Điều 1).
Theo đó, trường hợp đã được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước ngày 1/1/2018 theo đúng quy định của pháp luật nhưng chưa hoàn thành việc bán thì: Tiếp tục thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc mua bán tài sản theo quy định của pháp luật (trường hợp đã tổ chức đấu giá thành công); dừng việc bán và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định này (trường hợp chưa tổ chức đấu giá hoặc tổ chức đấu giá không thành hoặc kết quả đấu giá bị hủy, hoặc quyết định bán của cơ quan, người có thẩm quyền đã hết hiệu lực theo quy định của pháp luật).
Với trường hợp bán chỉ định (theo quyết định hoặc văn bản của cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật) chia làm 2 loại: Người mua được tài sản đã ký hợp đồng mua bán tài sản hoặc cơ quan chức năng đã có văn bản thông báo về số tiền phải nộp (hoặc giá bán) thì người mua được tiếp tục hoàn tất các thủ tục còn lại để hoàn thành việc mua bán; người mua chưa ký hợp đồng mua bán tài sản, chưa có văn bản thông báo về số tiền phải nộp (hoặc giá bán) của cơ quan chức năng thì dừng việc bán và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; trừ trường hợp việc bán chỉ định đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Bên cạnh đó, NĐ 67 cũng hướng dẫn đối với trường hợp đã được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng đất; trường hợp đã được cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư mà giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư còn hiệu lực…
Các trường hợp còn lại thì UBND cấp tỉnh thực hiện rà soát để xem xét, quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 30/6/2021, Bộ đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 929 cơ sở nhà, đất.
Cùng với việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, theo Cục trưởng Cục QLCS, ông La Văn Thịnh, những quy định mới của NĐ 67 góp phần quản lý, sử dụng nhà, đất đảm bảo chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản công. Đặc biệt là giúp tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sẽ nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.