Lúng túng, không xác định được trình tự, thủ tục xin ý kiến
Theo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Ban hành VBQPPL(sửa đổi) của Bộ Tư pháp, Điều 5 Luật Ban hành VBQPPL hiện hành quy định các nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc thực hiện các quy định này đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật: Điều 4 Hiến pháp năm 2013, Luật Ban hành VBQPPL đã quy định cơ chế bảo đảm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng được xác định là yêu cầu đầu tiên và có tính tiên quyết trong công tác xây dựng pháp luật, do đó đã được tuân thủ và bảo đảm thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành và địa phương còn lúng túng, không xác định được trình tự, thủ tục xin ý kiến các cấp ủy đảng về chính sách, dự án, dự thảo VBQPPL do Luật Ban hành VBQPPL chưa quy định về cơ chế xin ý kiến cấp ủy đảng, cũng như thời điểm, trách nhiệm xin ý kiến.
Lợi ích nhóm có thể xuất hiện ở bất cứ khâu nào
Về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, Báo cáo đánh giá tác động nhận định, trong hoạt động xây dựng pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL từ khâu lập đề nghị, soạn thảo đến xem xét, thông qua hoặc ký ban hành, thậm chí là trong quá trình tổ chức thi hành văn bản.
Tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm có thể được thực hiện bằng các cách thức tác động vào các khâu quy trình, với nguy cơ có thể không lấy ý kiến của những cơ quan, tổ chức mà theo quy định bắt buộc phải lấy ý kiến; việc không đánh giá tác động thủ tục hành chính (TTHC) hoặc đánh giá không đầy đủ; không quy định rõ TTHC hoặc quy định TTHC rườm rà, phức tạp, không cần thiết; quy định điều kiện kinh doanh không dựa trên yêu cầu quản lý nhà nước, nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh. Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng cần thiết phải quy định cụ thể nguyên tắc và cơ chế kiểm soát trong Luật.
Kịp thời thể chế hoá chủ trương của Đảng thành văn bản luật
Qua thống kê, Bộ Tư pháp cũng nhận định, thời gian qua, đã có nhiều văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó đặt ra các mục tiêu, yêu cầu cụ thể cần phải được thể chế hoá vào Luật như: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đặt ra yêu cầu, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật.… Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó có các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Do đó, việc bổ sung một số nguyên tắc về kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật gắn với việc tăng cường trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL; nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đây cũng là giải pháp nhằm thu hút rộng rãi sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào quá trình xây dựng pháp luật gắn với hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo VBQPPL.
Bổ sung một số nguyên tắc quan trọng
Với mục tiêu thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng VBQPPL, dự thảo Luật quy định về nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL (Điều 4) trên cơ sở kế thừa, có sửa đổi, bổ sung nội dung Điều 5 của Luật hiện hành. Theo đó, bổ sung một số nguyên tắc quan trọng:
+. Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật;
+. Xây dựng, ban hành VBQPPL phải tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc;
+. Kịp thời giải quyết vấn đề bất cập, yêu cầu phát sinh từ thực tiễn; bảo đảm quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, việc tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và tổ chức thi hànhVBQPPL còn được thể hiện tại nội dung cụ thể của một số điều như việc xin ý kiến của Bộ Chính trị đối với việc xây dựng, ban hành VBQPPL trong trường hợp đặc biệt (Điều 52), trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của đảng (Điều 67), trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành VBQPPL (Điều 68).
Đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của pháp luật
Phương án bổ sung một số nguyên tắc xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành VBQPPL, việc lấy ý kiến cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, ban hành VBQPPL mà Chính phủ đang trình Quốc hội có nhiều ưu điểm như: Kế thừa có bổ sung nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật; việc báo cáo, xin ý kiến cấp ủy đảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành VBQPPL; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng và thi hành pháp luật; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm gắn kết giữa xây dựng và tổ chức thi hành VBQPPL.
Phương án này có quy định chung về lấy ý kiến, phản biện xã hội, thực hiện truyền thông chính sách đối với đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo VBQPPL, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành VBQPPL.
Theo nhận định của Bộ Tư pháp, quy định này bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong việc bảo đảm quyền con người, quyền nghĩa vụ của công dân.
Quy định này về cơ bản không ảnh hưởng đến hệ thống VBQPPL hiện nay như: nguyên tắc Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã được Hiến pháp ghi nhận. Các luật, nghị quyết, pháp lệnh và văn bản dưới luật khi xây dựng, ban hành đều phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, trong đó phù hợp với quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quy định nhằm kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật đã được ghi nhận trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, phù hợp với pháp luật hiện hành về phòng, chống tham nhũng và pháp luật về công chức, viên chức. Quy định này bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, giải pháp này còn mang lại hiệu quả tích cực đối với Nhà nước khi bảo đảm nguyên tắc gắn kết giữa xây dựng VBQPPL với tổ chức thi hành pháp luật, qua đó, tránh lãng phí trong trường hợp văn bản được xây dựng, ban hành nhưng không đi vào cuộc sống; khi xây dựng pháp luật gắn kết với chặt chẽ với thi hành pháp luật ngay từ đầu sẽ giảm thiểu được các chi phí cho các cơ quan nhà nước trong quá trình triển khai thi hành, tuyên truyền, phổ biến…
Với nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, giải pháp này còn có một số quy định nhằm kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật vì việc xây dựng 01 VBQPPL sẽ bao gồm nhiều giai đoạn và được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau, mỗi giai đoạn, mỗi cơ quan sẽ đóng một vai trò khác nhau trong sự thành công của một văn bản, do đó, nếu quy định cụ thể sẽ góp phần kiểm soát và quản lý chặt chẽ được vị trí, vai trò của từng cơ quan đối với công tác này, qua đó giúp phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả của quy định.
Với nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo đảm gắn kết giữa xây dựng VBQPPL với tổ chức thi hành pháp luật sẽ củng cố mạnh mẽ hơn niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với chế độ và các chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, giải pháp này sẽ đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của pháp luật. Ngoài vai trò là công cụ quản lý nhà nước, pháp luật sẽ phát huy được vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, thông qua việc người dân được tiếp tục được tiếp cận từ sớm đối với các chính sách của Nhà nước ngay từ quá trình xây dựng văn bản như hiện nay.