TS Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp |
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời được một tháng, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới Công Thương Việt Nam (ngày 13/10 được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm).
Trong bức thư này, Bác Hồ đã nhấn mạnh vai trò to lớn của giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết đất nước và năm nay, năm 2025 là năm kỷ niệm 80 năm Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương. Bài học kinh nghiệm thành công của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... là xây dựng, hoàn thiện pháp luật để xây dựng các doanh nghiệp (DN) lớn, các DN tiên phong dẫn dắt nền kinh tế, nhưng đồng thời phải có cơ chế tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa (NVV), DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển như cánh tay nối dài, hỗ trợ các DN lớn, tạo nền tảng hỗ trợ để cùng đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới.
Nghị quyết 41-NQ/TW nêu rõ yêu cầu “có chính sách đột phá để hình thành, phát triển DN dân tộc, DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”.
Tuy nhiên, thế nào là DN dân tộc hiện cũng còn nhiều cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng, DN dân tộc phải là những tập đoàn lớn của Nhà nước như Vietnam Airlines, Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Bưu chính viễn thông, Xăng dầu Việt Nam… nhưng ý kiến khác lại cho rằng, DN dân tộc không nhất thiết chỉ là DN nhà nước, mà bao gồm DN trong tất cả các thành phần kinh tế, có thể là các tập đoàn tư nhân như Vingroup, Sungroup, Hòa Phát…, miễn là những DN này là những tên tuổi lớn mạnh, tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
1. DN tiên phong dẫn dắt nền kinh tế
1.1. Tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, khó khăn hơn so với dự báo, tạo sức ép, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Tuy nhiên, với sự vào cuộc, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Trong thành công chung có sự đóng góp không nhỏ, tích cực, quan trọng của những DN lớn, các DN nhà nước.
Các DN lớn, DN nhà nước ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào xây dựng, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các DN lớn hay các tập đoàn, tổng công ty còn bộc lộc một số hạn chế như một số DN chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản, giải ngân vốn đầu tư cả chưa đạt kế hoạch đề ra, trong đó còn có DN Nhà nước lớn hoạt động thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị DN còn chậm...
Với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, các DN tiên phong, “sếu đầu đàn” cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý vốn, tài sản, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo ra khí thế, tư duy, cách làm mới, quyết tâm, quyết liệt trong hành động. Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và kịp thời giải ngân vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. Nghiên cứu, gia tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo, ngành, lĩnh vực mới nổi.
Ưu tiên tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình quản trị DN theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế; tạo thế và lực cũng như cơ sở xây dựng định hướng phát triển, tầm nhìn chiến lược giai đoạn tiếp theo.
1.2. Các DN lớn là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế
Các DN lớn cần tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DN trong nền kinh tế, bảo đảm là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế. Nhất là các DN đang thực hiện đầu tư, thi công kết cấu hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn trong triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia như tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, các đường cao tốc trục Đông Tây, các trục cao tốc kết nối các vùng kinh tế trọng điểm...
2. Hoàn thiện pháp luật để có chính sách đột phá xây dựng các DN dẫn dắt nền kinh tế, tạo điều kiện cho DNNVV phát triển
Trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, xuất hiện xu hướng bảo hộ gắn với các yêu cầu kỹ thuật - thương mại mới, Việt Nam cần có chính sách phát triển các DN có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế.
Cụ thể, cần có các chính sách hỗ trợ để những DN “sếu đầu đàn” này có thể thực sự dẫn dắt tăng trưởng, hình thành hệ sinh thái cho các DNNVV cùng phát triển, từ đó vươn tầm quốc tế. Điều này cũng giúp hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bao gồm Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nghị quyết này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách đột phá, tạo điều kiện cho các DN dân tộc có quy mô lớn, đóng vai trò then chốt trong các ngành kinh tế trọng điểm và trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngày 9/1/2025, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam". |
2.1. Cần nghiên cứu để thiết lập các cơ chế ưu đãi tài chính dành riêng cho DN dẫn dắt nền kinh tế, DN dân tộc, bao gồm các quỹ hỗ trợ đầu tư, ưu đãi tín dụng và giảm thuế cho các DN có sản phẩm mang giá trị văn hóa dân tộc hoặc thuộc lĩnh vực trọng yếu. Ngoài ra, chính sách khuyến khích DNNVV mở rộng quy mô cũng cần được thực hiện, tạo điều kiện cho họ trở thành các DN dân tộc quy mô lớn dẫn dắt thị trường.
2.2. Hoàn thiện pháp luật hướng tới việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong đối tượng DN này. Nhà nước nên hỗ trợ các DN này tiếp cận các công nghệ tiên tiến, triển khai chuyển đổi số và phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, các DN này cần được bảo vệ và hỗ trợ trong các tranh chấp thương mại quốc tế, đảm bảo lợi ích kinh tế và chủ quyền quốc gia.
2.3. Hoàn thiện pháp luật để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, DN; kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính, quy định kinh doanh không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi. Chủ động tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu.
2.4. Chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời, phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích của người dân, DN. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan: thị trường trái phiếu DN, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ, năng lượng... góp phần nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh.
2.5. Cần quan tâm đưa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở vào cuộc sống, tháo gỡ điểm nghẽn phát triển kinh tế.
Các Bộ cần quan tâm trình cấp có thẩm quyền và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở bảo đảm tiến độ, chất lượng, sớm đưa các Luật trên vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế xã hội và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh của DN.
UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh. Thực hiện giao, cho thuê đất và xác định giá trị tiền sử dụng đất kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật.
2.6. Để gia tăng số lượng “đàn sếu” của nền kinh tế, đồng thời kéo lực lượng DN nhỏ và siêu nhỏ đi lên, cần tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho DN vừa, trong đó quan tâm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ DNNVV và triển khai mạnh mẽ, thiết thực hơn đạo luật này cho cộng đồng DNNVV Việt Nam.
Đây là đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối DN lớn và DN nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng DN vừa. Đây là cộng đồng các DN có khát vọng, tiềm năng, điều kiện để trở thành DN lớn và có hoạt động sản xuất - kinh doanh khá chuyên nghiệp.
Việc hoàn thiện chính sách pháp luật để hỗ trợ các DN không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Để làm được điều này, cần sự chung tay từ cả phía Nhà nước và cộng đồng DN. Chỉ khi có những chính sách đồng bộ, hiệu quả, các DN lớn mới thực sự trở thành lực lượng nòng cốt đưa nền kinh tế Việt Nam vươn xa trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
TS. Trần Minh Sơn
Bộ Tư pháp