Cụ thể, đến tháng 6/2019, Bộ Tài chính đã chủ trì trình Chính phủ trình Quốc hội 2 Luật (Luật Quản lý thuế sửa đổi và Luật Chứng khoán), trình Chính phủ 6 Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 30 Thông tư. Qua rà soát, các văn bản đã thực hiện cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ các quy định pháp luật, ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, đã rà soát đến việc bãi bỏ các quy định tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp góp phần cải thiện chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1).
Quán triệt chủ trương cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 832/QĐ-BTC về phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Trong đó, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 190 trên tổng số 370 điều kiện kinh doanh (chiếm 51,4%) đang được quy định tại 6 Luật và 16 Nghị định.
Để thực thi ngay các phương án, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Nghị định 151 đã cắt giảm và đơn giản hóa 117/190 điều kiện kinh doanh thuộc 13 ngành nghề (gồm cắt giảm 47 điều kiện và đơn giản hóa 70 điều kiện). Bộ cũng đã và đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 68/2016/NĐ-CP nhằm cắt giảm, đơn giản hóa 19 điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP để cắt giảm, đơn giản 5 điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đối với 49 điều kiện kinh doanh còn lại quy định tại 6 Luật, Bộ đang chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó cắt giảm, đơn giản 2 điều kiện kinh doanh đại lý làm thủ tục về thuế. Với 47 điều kiện còn lại, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu trong quá trình tổng kết, đánh giá thi hành Luật để đưa vào nội dung sửa đổi theo tiến độ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Đặc biệt, hưởng ứng tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”, Bộ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khoản phí, lệ phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp để xem xét giảm mức phí, lệ phí. Trên cơ sở rà soát, Bộ báo cáo Thủ tướng cho phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thống nhất không thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí, điều chỉnh giảm mức thu của 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí. Việc làm này nhận được sự đánh giá cao, đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề. Đây là hành động thiết thực, thể hiện sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã tổ chức 75 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, học tập, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, các chỉ thị, quyết định của Trung ương về phòng, chống tham nhũng với hơn 5,5 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính về công tác phòng, chống tham nhũng.
Cuối tháng 11/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2204/QĐ-BTC ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngành Tài chính nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Tính đến tháng 6/2019, tổng số thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính là 985. Trong đó, có 126 thủ tục là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 348 thủ tục là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 197 thủ tục là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 314 thủ tục là dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Bộ Tài chính quan niệm, việc giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật sẽ phải thực hiện trên diện rộng, đồng loạt trên nhiều lĩnh vực và bởi nhiều bộ, ngành khác nhau thì mới đạt hiệu quả. Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể, thống nhất về các chỉ tiêu có tính định lượng, cách tính, trong đó cần tập trung vào các nội dung liên quan tới các lĩnh vực pháp luật liên quan đến chỉ số A1 – A10 của Nghị quyết số 02/NQ-CP như cải cách quy định, giảm tần suất thực hiện… để các bộ, ngành triển khai, từ đó có thể đo lường được về kết quả của từng bộ, ngành, địa phương trong việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật.