Thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên vượt 2 triệu tỷ đồng
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2024 là một năm bội thu, hoàn thành xuất sắc công tác thu chi khi thu thì tăng và chi thì tiết kiệm.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, thu NSNN năm 2024 ước đạt khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán và tăng 15,5% so với năm 2023. Chi NSNN ước đến ngày 31/12/2024 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định; tỷ lệ giải ngân ước đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt khoảng 81,9%); chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán.
Nợ công được quản lý chặt chẽ, thấp hơn ngưỡng cho phép. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 20-21%. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục cơ cấu lại nợ công; phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, góp phần kéo dài danh mục nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội; thực hiện trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ theo cam kết; không cấp mới bảo lãnh cho các dự án vay trong nước và nước ngoài.
Đánh giá về kết quả của ngành Tài chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các nhiệm vụ của ngành cơ bản hoàn thành, các cân đối lớn không những đủ mà thặng dư cao. Vấn đề an sinh xã hội làm rất tốt, là điểm sáng trên thế giới về thực hiện công tác an sinh, tốc độ giảm nghèo cao.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý các kết quả chưa tốt như việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa có nhiều chuyển biến. “Cần phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao giải ngân chậm. Hiện điểm nghẽn lớn nhất là thể chế, nhiều thủ tục vòng vo, duyệt dự án lâu, qua lại nhiều vòng, gây ra lãng phí, đẩy lùi sự phát triển. Do vậy cần phân cấp phân quyền mạnh hơn, tinh thần là địa phương quyết, địa phương làm và chịu trách nhiệm" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần phải đoàn kết thống nhất, huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước; lãnh đạo, cán bộ ngành cần có tư duy đột phá tầm nhìn chiến lược, nghĩ sâu làm lớn, nói đi đôi với làm, đổi mới sáng tạo, từ đó mới khai thác được mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Đặc biệt Thủ tướng cho rằng, cần phải dám nghĩ dám làm, dám đổi mới, tạo không gian huy động mọi nguồn lực trong phát triển xã hội. “Không nên quá an toàn. Hiện nhiều cán bộ không dám vượt qua an toàn trong thi hành công vụ. Nếu dám vượt qua giới hạn của bản thân trong thực thi công vụ mới biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể được” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng lấy ví dụ về việc Bộ Tài chính xin giảm thuế VAT cứ 6 tháng một lần. Tính đến thời điểm hiện tại là đã 6 lần 6 tháng. “Rõ ràng các đề xuất chính sách còn thận trọng quá, mỗi lần đề xuất 6 tháng, rà soát đi rà soát lại.. mất nhiều thời gian cho các thủ tục. Bộ nên mạnh dạn đề xuất các chính sách tốt nhất cho hiệu quả và hỗ trợ phát triển. Những số liệu tổng kết cho thấy, năm 2023 giảm thuế phí lệ phí khoảng 200.000 tỷ đồng nhưng thu lại vượt 300.000 tỷ đồng; 3 năm vừa qua đều vượt thu, từ hơn 100k tỷ, năm 2022 400k tỷ nên Bộ Tài chính cần mạnh dạn hơn trong các đề xuất” - Thủ tướng nói.
Phấn đấu tăng trưởng năm 2025 ít nhất 8%
Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc bứt phá để về đích, trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khó khăn, sức chống chịu còn hạn chế... Thủ tướng yêu cầu phải nỗ lực hơn trong năm 2025, sẽ phải thực thi nhiều nhiệm vụ hơn sau sắp xếp bộ máy.
|
“Sắp xếp tổ chức bộ máy là cuộc cách mạng, là nỗ lực để giảm bớt đầu mối, bớt khâu trung gian, bớt thủ tục hành chính nên phải quyết tâm, quyết liệt. Trong quá trình sắp xếp phải có sự hy sinh, sự nhường nhịn để cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển; Cùng với đó, tăng cường phân cấp phân quyền, đi đôi với phân bổ quyền lực, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, tăng cường kiểm soát quyền lực, kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho, làm tăng thủ tục hành chính” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng thể chế chính sách để huy động nguồn lực cho phát triển. Trong đó, nhấn mạnh về hoạt động đấu thầu, đấu giá, Thủ tướng cho rằng, các cuộc đấu thầu, đấu giá đều chưa có hiệu quả, giá thầu chỉ giảm được thấp, chưa 1%, chưa kể “quân xanh quân đỏ”.
“Nếu thực hiện đấu thầu hiệu quả thì tiếp tục hoạt động này, nếu thấy không hiệu quả thì không nên duy trì, cần mạnh dạn cắt” - Thủ tướng nói. Đồng thời lấy ví dụ về việc xây dựng cầu Phong Châu (Phú Thọ) là chỉ định thầu nhưng giảm được giá thầu 5%, yêu cầu nhà thầu cam kết xây dựng xong trong 1 năm, không đội vốn và đảm bảo an toàn lao động.
Thủ tướng cũng yêu cầu, trong năm 2025, Bộ Tài chính cần nắm chắc tình hình phản ứng chính sách kịp thời hiệu quả, đảm bảo vĩ mô; phấn đấu thu NSNN năm 2025 vượt 10% so năm 2024, vượt dự toán Quốc hội quyết định; Tổ chức điều hành chi NSNN năm 2025 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, phấn đấu tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2025 tăng thêm so năm 2024
Đồng thời đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung cho các dự án lớn mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái như đường cao tốc, đường sắt kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào, các dự án năng lượng... Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ít nhất 8%.