Theo nguồn tin của PLVN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ “xin ý kiến chỉ đạo” về việc cho phép Cty CP kính nổi Chu Lai thỏa thuận với các DN nước ngoài để nhập khẩu mặt hàng lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng tạm nhập tại cảng Hải Phòng, chưa tái xuất, hiện tồn đọng trong các kho bãi.
Một điểm thu mua lốp ô tô cũ tại quận 9, TP.HCM |
Bằng văn bản này, Bộ Tài chính cho rằng, việc cho phép Cty CP kính nổi Chu Lai – Indevco thỏa thuận với các DN nước ngoài để tận dụng nhập khẩu mặt hàng lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng chưa làm thủ tục khai báo hải quan hiện đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng, hoặc đã tạm nhập nhưng chưa tái xuất thay thế cho hàng hóa phải nhập khẩu từ nước ngoài “sẽ có 3 lợi ích”.
Cụ thể, theo bộ này, sẽ tạo điều kiện cho DN được nhập khẩu hàng hóa theo đúng văn bản cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, góp phần xử lý hàng hóa tạm nhập tái xuất đang tồn đọng tại các cảng, cửa khẩu. Ngoài ra, giải quyết khó khăn trong việc xử lý hàng tồn đọng tại cảng Hải Phòng.
Số liệu được bộ này dẫn ra cho thấy, tính đến trung tuần tháng 6/2013, tại cảng Hải Phòng còn tồn 6.666 containers hàng hóa các loại, trong đó có số lượng lớn hàng hóa thể hiện trên chứng từ vận tải là cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng…. Số hàng này đã quá thời hạn nhưng DN chưa làm thủ tục khai báo hải quan nên chưa xác định được hàng hóa thực tế kinh doanh theo loại hình nào. Do nhiều lô hàng có giá trị thấp, phí lưu kho bãi, lưu container lớn, các DN đứng tên nhận hàng đã từ bỏ hàng hóa,việc khám xét, tạm giữ hàng hóa vi phạm cũng gặp khó khăn vì chi phí quá cao, nguồn lực khám xét có hạn.
Mặc dù, thẩm quyền cho phép DN thực hiện nhập khẩu mặt hàng lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng có nguồn gốc từ hàng hóa tồn đọng cảng biển, cửa khẩu và hàng hóa đã làm thủ tục tạm nhập theo loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất nhưng chưa tái xuất hoặc chưa tái xuất hết thuộc Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, qua “khẩu khí” của Bộ Tài chính cũng có thể thấy, Bộ này tỏ ra ủng hộ chủ trương này.
Trước đó, tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Cty Chu Lai thực hiện thí điểm nhập khẩu mặt hàng lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng để sản xuất nhiên liệu phục vụ sản xuất kinh xây dựng từ năm 2013 đến hết năm 2015, mỗi năm được nhập khẩu với số lượng tối đa là 160.000 tấn.
Sở dĩ việc nhập khẩu lốp xe cũ phải xin phép đến tận Thủ tướng vì mặt hàng này thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu. Cụ thể, tại Điểm 6, Mục II, Phụ lục 1 của Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài có nội dung: “Săm lốp ô tô đã qua sử dụng thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu”.
Như vậy, nếu đề xuất nói trên được phê chuẩn, Cty CP kính nổi Chu Lai có thể nói đã nhận được 2 lần ưu đãi, vừa được thí điểm nhập hàng cấm, vừa khỏi phải đi đâu xa vì có thể nhập khẩu mặt hàng mình cần ngay tại sân nhà.
Không chỉ riêng công ty kính nổi và UBND tỉnh Quảng Nam “quan tâm” đến mặt hàng cấm này. Như PLVN đã đưa, câu chuyện tạm nhập tái xuất mặt hàng lốp ô tô cũ cũng từng là một chủ đề nóng tại cuộc đối thoại hồi đầu tháng 6 giữa chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh với 300 DN hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan, kinh doanh vận tải hàng hóa qua địa bàn.
Tại cuộc đối thoại này, các lãnh đạo Quảng Ninh thừa nhận, việc một số hàng hóa đã qua sử dụng, trong đó có lốp ô tô, chỉ được tái xuất qua cửa khẩu quốc tế chính là một trong các nguyên nhân khiến nguồn thu từ hoạt động tạm nhập tái xuất của tỉnh này sụt giảm nghiêm trọng.
Tùng Sơn