Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình: Những “lối đi” hạnh phúc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Gia đình ngày càng trở nên “mong manh” hơn trước những tác động mạnh mẽ của đời sống, đổi thay của thời cuộc. Trong bối cảnh đó, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình chính là những viên gạch vững chãi góp phần xây dựng hệ giá trị gia đình vững chắc.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình chính là “kim chỉ nam” cho việc xây dựng hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. (Ảnh minh họa)
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình chính là “kim chỉ nam” cho việc xây dựng hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. (Ảnh minh họa)

Nhiều thách thức cho nền tảng gia đình

Tháng 10/2022, chị Nguyễn Thị Trúc L (sinh năm 1996, ngụ TP HCM) và anh Lê Cao A (sinh năm 1992, ngụ TP HCM) nộp đơn xin ra tòa ly hôn. Cuộc ly hôn khiến cha mẹ, người thân đều bàng hoàng vì cả hai mới kết hôn vào tháng 3/2022 với một đám cưới được tổ chức hoành tráng, cầu kì ở một khách sạn có tiếng tại trung tâm quận 1. Họ có thời gian tìm hiểu nhau là 1 năm, nhưng chỉ sống với nhau được 3 tháng là mâu thuẫn phát sinh và ngày càng nặng nề, cho đến lúc quyết định ly hôn vào tháng thứ 7 của hôn nhân.

Lý do của cuộc ly hôn, hai vợ chồng đều giải thích là “tính cách khác biệt, không thể sống chung”. Khi cha mẹ thuyết phục, lấy minh chứng rằng cha mẹ, ông bà ngày xưa mới lấy nhau về cũng nhiều khác biệt tính cách, cũng từng xảy ra bao sóng gió và thử thách, nhưng vẫn kiên trì bên nhau, vượt qua và sống hạnh phúc đến xế chiều thì đôi vợ chồng trẻ trả lời rằng “mỗi thế hệ một khác”.

Thời gian qua, cả xã hội đã chứng kiến không ít cuộc ly hôn trong ồn ào, mà xuất phát điểm đều là những cặp đôi từng yêu nhau, từng là hình mẫu mơ ước của bao người, từng ước mong xây đắp một tương lai lâu bền, từng kì vọng nhiều ở hôn nhân, từng cùng nhau trải qua bao sóng gió...

Càng ngày số vụ ly hôn trong nước càng gia tăng. Đã có quan điểm rằng, con số ly hôn tăng là điều “đáng mừng” vì chứng tỏ người phụ nữ ngày càng “bình quyền” hơn, không còn cam chịu và biết tự quyết định hạnh phúc của mình. Trên thực tế, số vụ ly hôn vì người phụ nữ đã “hết cam chịu” chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với những lý do khiến cho các gia đình tan vỡ. Có những mâu thuẫn về tài chính, có lý do vì ngoại tình, vì tệ nạn, vì một trong hai bên dành thời gian cho bên ngoài nhiều hơn cho gia đình... Và cũng có không ít những bạn trẻ vừa kết hôn xong đã ra tòa một cách chóng vánh.

Số liệu thống kê cho thấy, số vụ ly hôn ở Việt Nam hiện ở mức 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa rằng, cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa. Chỉ tính riêng trong năm 2021, các Tòa án đã thụ lý tổng cộng 219.256 vụ việc hôn nhân và gia đình. Các vụ án hôn nhân và gia đình mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết chủ yếu là ly hôn do mâu thuẫn gia đình (162.072 vụ).

Dù thế nào đi nữa, những con số này đã cho thấy sự mất ổn định, thiếu bền vững của các gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, thực tế này cũng đặt ra cho xã hội yêu cầu phải có những hành động thực tiễn để khiến gia đình không đi về hướng mong manh, dễ tan vỡ hơn nữa, củng cố hơn nền tảng của gia đình - tế bào cấu thành nên xã hội.

Năm 1993, Liên Hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15/5 hàng năm là Ngày “Quốc tế gia đình” để nâng cao nhận thức về những vấn đề gia đình trên toàn thế giới. Việt Nam có ngày 28/6 là Ngày “Gia đình Việt Nam”. Gia đình là một vấn đề mà cả nhân loại chứ không chỉ một cộng đồng quan tâm.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước cũng đã có những chủ trương và hành động thiết thực nhằm củng cố gia đình, xây dựng gia đình Việt Nam là tế bào lành mạnh của xã hội. Một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước chính là nâng cao nhận thức và thực hiện nghĩa vụ gia đình đối với mọi công dân.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giúp xây dựng nền tảng gia đình trong thời kỳ mới

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh: “Đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam” và làm rõ thêm yêu cầu về: “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Bám sát chủ trương của Đảng, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bộ tiêu chí đề ra các tiêu chí cụ thể, rõ ràng nhằm hướng đến việc đưa ra các định nghĩa, các nguyên tắc và tiêu chí dành cho gia đình Việt trong thời kỳ hiện nay.

Trước khi ra đời, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã trải qua công tác xây dựng từ năm 2019 đến năm 2020 - 2021 và được triển khai thí điểm ở 12 tỉnh, thành trong cả nước. Các tỉnh còn lại triển khai bằng nhiều hình thức như tuyên truyền ở CLB tại xã, huyện… hoặc lồng ghép vào các hoạt động văn hóa địa phương. Trải qua thời điểm thí điểm, thấy rõ được hiệu quả vượt trội khi áp dụng Bộ tiêu chí trong xây dựng hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới, Bộ tiêu chí đã được chính thức đi vào đời sống.

Mục đích của Bộ tiêu chí nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.

Bộ tiêu chí cũng hướng đến nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc. Đó chính là cái hay và toàn diện của Bộ tiêu chí mà trước đó chưa văn bản nào khái quát hết.

Có thể thấy, với các mục đích rõ ràng của mình, bộ tiêu chí muốn hướng đến xây dựng hệ giá trị gia đình theo chuẩn mực: Hạnh phúc - Tiến bộ - Văn minh. Đây chính là ba chuẩn mực của một gia đình trọn vẹn và bền vững trong xã hội hiện đại. Yêu thương, trách nhiệm là tiền đề tạo nên hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc sẽ không thể bền vững nếu không đi kèm những nhận thức tiến bộ. Còn văn minh chính là sự duy trì nền tảng đạo đức, tuân thủ các giá trị pháp luật, tuân thủ ý thức với cộng đồng, xã hội, đất nước.

Để đạt được những mục đích tốt đẹp ấy, Bộ tiêu chí đã cụ thể hóa các tiêu chí và đi sâu, đi sát vào mỗi đối tượng cụ thể trong gia đình. Với mỗi một đối tượng cụ thể, Bộ tiêu chí cũng đưa ra những nguyên tắc ứng xử. Trong đó, tiêu chí ứng xử chung nhất là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ mà mỗi thành viên trong gia đình đều cần tuân thủ. Với vợ chồng, tiêu chí ứng xử đặt yếu tố chung thủy, nghĩa tình lên hàng đầu. Đối với ứng xử giữa cha mẹ với con cái, ông bà với cháu, thì gương mẫu, yêu thương là tiêu chí tiên quyết. Trong ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà thì hiếu thảo và lễ phép là hai yếu tố không thể thiếu. Với anh, chị, em thì sự hòa thuận và chia sẻ được xem là tiêu chí quan trọng nhất.

Trong những năm qua, các địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai Bộ tiêu chí trong đời sống dân cư một cách sâu sát, đến từng quận, huyện, xã, thôn, ấp và các câu lạc bộ, hội nhóm địa phương. Nhiều địa phương đã đạt được những con số ấn tượng, số vụ ly hôn giảm, tỉ lệ gia đình hạnh phúc tăng... Việc áp dụng toàn diện Bộ tiêu chí vào trong đời sống cũng đang ngày càng tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân.

Hiện nay, như nhiều lĩnh vực đời sống xã hội nói chung, gia đình cũng đang chịu nhiều tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường cả mặt tích cực lẫn tiêu cực và đang trải qua nhiều thử thách rất cam go. Ra đời trong giai đoạn chuyển tiếp đầy sóng gió của gia đình Việt, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với tính toàn diện và cụ thể chính là “kim chỉ nam” cực kỳ cần thiết, để mỗi một thành viên, mỗi một gia đình, để toàn xã hội soi rọi mình vào đó, tìm ra cho mình những quan niệm đúng đắn, những lối đi rõ ràng trên con đường xây dựng hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc cho toàn xã hội.

Đọc thêm