Vì sao Viện Khoa học Lâm nghiệp chưa giao đất?
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cam Lộ - La Sơn) đã khởi công cách đây 3 tháng nhưng trước đó - ngày 12/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Doãn Thọ đã có văn bản 5568/BGTVT-CQLXD gửi Bộ NN&PTNT đề nghị phối hợp, hỗ trợ để công trình được triển khai đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội.
Sở dĩ chủ đầu tư phải phát văn bản sớm sang Bộ NN&PTNT vì công trình này có đoạn đi qua khu vực rừng đặc dụng (khoảng hơn 12 ha) thuộc địa bàn huyện Cam Lộ, do Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT) quản lý. Thế nhưng, tới sát ngày khởi công, những vướng mắc nêu trên vẫn không được giải quyết.
Sốt ruột trước tình hình này, 10 ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Quảng Trị phát lệnh khởi công cao tốc, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - ông Nguyễn Đức Chính ngày 26/9 tiếp tục có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị phối hợp, hỗ trợ tỉnh để giải phóng mặt bằng (GPMB) dứt điểm vị trị trên. UBND tỉnh này thậm chí còn có công văn cam kết với Bộ NN&PTNT sẽ bỗ trí mặt bằng mới để đơn vị thuộc Bộ này có thể xây dựng lại cơ sở nghiên cứu sau khi GPMB.
“Việc chuyển giao lại phần diện tích đất cho Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ để xây dựng mô hình thực nghiệm, UBND tỉnh Quảng Trị đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp các đơn vị tổ chức thực hiện…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - ông Nguyễn Quân Chính khẳng định với Bộ NN&PTNT, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ hôm 4/12, với mong muốn các cơ quan này khẩn trương hợp tác với tỉnh vì tiến độ của công trình trọng điểm quốc gia.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Ban Quản lý dự án (PMU) đường Hồ Chí Minh, ngày 12/12, các bên liên quan đã làm việc tại Quảng Trị về nội dung GPMB 12 ha rừng nói trên, những mới chỉ thống nhất về mặt chủ trương vì theo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, tại đây đơn vị đang có nhiều mô hình nghiên cứu, trong đó có nhiều công trình sắp đến thời kì đánh giá kết quả, và Viện này cũng nhấn mạnh với địa phương cần sớm cấp lại diện tích đất mới để tiếp tục công tác nghiên cứu lâm nghiệp.
Lãnh đạo Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Trị gần 6 tháng làm việc vẫn chưa thể GPMB được 12 ha đất rừng đặc dụng đoạn qua huyện Cam Lộ |
Nhà thầu thiệt hại hàng trăm triệu mỗi ngày
Được biết, tại lễ khởi công công trình hôm 16/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ GPMB triển khai cao tốc Cam Lộ - La Sơn thành một dự án kiểu mẫu.
Thực tế, dù khó khăn về mặt bằng nhưng theo đại diện chủ đầu tư - PMU đường Hồ Chí Minh, sau khi công trình chính thức khởi công, các nhà thầu thi công 2 Gói thầu xây lắp XL01 và XL02 đã rất khẩn trương bố trí một lượng lớn xe máy và nhân lực tại công trường từ tháng 9/2019 .
“Mặt bằng đang rất vướng tại 2 huyện Triệu Phong và Cam Lộ nên tiến độ thi công vẫn đang cầm chừng; công việc đang làm chủ yếu là phát quang tuyến, đào đắp nền đường. Các nhà thầu xây lắp rất phàn nàn việc này vì phần lớn đã đủ người, đủ máy móc rồi mà vẫn không thể nào thi công tổng lực được”, ông Nguyễn Văn Phan - Trưởng Phòng Quản lý dự án 3, PMU đường Hồ Chí Minh nói.
Trao đổi với PLVN về vấn đề trên, ông Vương Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703 - đơn vi thi công Gói thầu XL01 của dự án này cho biết thêm, nhà thầu đã bố trí 3 mũi thi công với 20 cán bộ kỹ thuật, nhiều công nhân và khoảng 60 đầu thiết bị, xe máy tại công trường Quảng Trị.
“Hiện tại, công việc thi công đang hết sức lắt nhắt vì đoạn tuyến của nhà thầu 703 dài 2,5 km, trong đó có đoạn đi qua khu vực rừng của Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ ở Cam Lộ vẫn chưa thể giải phóng nên đoạn này của chúng tôi gần như tắc cứng suốt 3 tháng trời. Ước thiệt hại mỗi ngày khoảng vài trăm triệu đồng vì xe máy phải nằm chờ trong khi lương cho nhân công thì vẫn phải trả”, lời ông Thanh.
Rõ ràng sự chậm trễ GPMB ở đây đang ở mức đáng lo ngại. Chủ đầu tư và UBND tỉnh Quảng Trị ý thức được điều này nên đã nhiều lần làm việc trực tiếp hoặc gửi văn bản tới Bộ NN&PTNT, nhưng dường như các thủ tục giải phóng rừng để nhường đất cho dự án vẫn đang rất chậm.