Thu hồi đất còn nhiều vướng mắc
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cho biết, kết quả kiểm tra tại Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT cho thấy, công tác cải cách hành chính đã có nhiều bước tiến như tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến; liên thông các thủ tục trong lĩnh vực môi trường, nước và biển đảo; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận; thu tài chính từ đất tăng. Trong công tác bảo vệ môi trường, Bộ đã chủ động triển khai các giải pháp kiểm soát, phòng ngừa, khắc phục đối với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành như Công ty Formosa tại Hà Tĩnh, Công ty Lee&Man tại Hậu Giang...
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với hai lĩnh vực đất đai và môi trường để sửa đổi 2 đạo luật quan trọng là Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, tạo động lực cho một giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ TN&MT cũng còn những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN, trong đó, “việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra, thanh tra còn yếu, chất lượng một số cuộc thanh tra, kiểm tra chưa cao. Việc theo dõi, giám sát, xử lý sau thanh tra đối với một số vụ việc chưa chặt chẽ”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra chưa cao
Đối với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, Bộ đã quyết liệt cắt bỏ các thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, góp phần quan trọng tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về sắp xếp lại bộ máy, giúp cho Bộ hoạt động hiệu quả, cắt bỏ và giảm đầu mối các cục, vụ, đơn vị.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã thực hiện hiệu quả chỉ đạo việc thoái vốn tại Tổng công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) theo hình thức đấu giá công khai, minh bạch. Đây được coi là hình mẫu mới để nhiều ngành và đơn vị học hỏi, đảm bảo nguyên tắc công khai, phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã chỉ ra những hạn chế trong công tác PCTN của Bộ Công thương, bao gồm việc phát hiện tham nhũng qua công tác tự kiểm tra chưa cao, kết luận thanh tra chưa chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm để đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm theo quy định.
Kết quả kiểm tra cho thấy, một trong những nội dung được các bộ thực hiện tốt trong thời gian qua là việc kê khai tài sản, thu nhập theo hướng công khai, minh bạch. Theo báo cáo, trong năm 2016, số người kê khai tài sản của Bộ Công Thương là 27.443 người, đạt 99,9%; số người phải kê khai tài sản, thu nhập của Bộ TN&MT là 3.688 người, đạt 100%. Trong bản kê khai về tài sản, thu nhập tại các bộ, không người nào được yêu cầu giải trình rõ việc kê khai và xác minh tài sản, thu nhập.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Ban Cán sự Đảng các Bộ Công Thương, TN&MT tích cực phối hợp, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế; xây dựng kế hoạch khắc phục, thực hiện các giải pháp được nêu ra.