100% các xã trên địa bàn cả nước có công an xã chính quy
Ngày 15/3/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về “Sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tiếp đó, ngày 28/3/2018, Bộ Công an ban hành Đề án số 106/ĐA-BCA về “Một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Thông tư số 09/2019/TT-BCA ngày 11/4/2019 quy định việc điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, tất cả các xã trên địa bàn cả nước đã được bố trí Công an xã chính quy. Đội ngũ cán bộ Công an xã chính quy ngày càng lớn mạnh, góp phần quan trọng trong bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở hiện nay. Tính đến hết quý I/2022, Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bố trí hơn 48.000 cán bộ Công an xã tại 100% các xã, thị trấn trên toàn quốc; trung bình mỗi xã bố trí khoảng 5 cán bộ Công an xã, thị trấn chính quy (sớm hơn 6 tháng so với quy định).
Qua triển khai, Công an tỉnh Nam Định và Công an tỉnh Thừa Thiên Huế là hai địa phương đã điều động, bố trí sớm và xong 100% Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã theo chủ trương của Bộ Công an, các chỉ tiêu đạt tốt.
Ngay khi được bố trí công tác tại địa bàn các xã, lực lượng Công an chính quy đã đẩy mạnh và làm tốt công tác tham mưu cho đảng ủy, ủy ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện có hiệu quả các chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội sát với tình hình thực tế của các địa phương; Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp giải quyết tốt những vấn đề nổi lên về an ninh nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Công tác quản lý nhà nước về ANTT cũng được tăng cường; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tổ chức thiết thực, hiệu quả.
Tình hình ANTT tại các xã được bố trí Công an chính quy hầu hết đều có những chuyển biến tích cực, rõ nét, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội giảm. Qua đó góp phần ổn định tình hình ở cơ sở, phục vụ nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương và đem lại cuộc sống bình yên hơn cho Nhân dân.
Khi về xã, lực lượng công an chính quy nhanh chóng triển khai bám cơ sở, bám dân, tổ chức trực ban 24/24h, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT, nhất là vào ban đêm tại các khu vực trọng điểm. Việc bố trí công an xã chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã bảo đảm được tính ổn định, lâu dài và có lực lượng thường trực chiến đấu ở xã, thị trấn, bám dân, gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Hiện đại hóa nhằm đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới
Tại buổi làm việc với các đơn vị chức năng về bảo đảm cơ sở vật chất cho lực lượng công an xã, ngày 13/4/2022, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm chỉ đạo: Tinh thần là đến năm 2023 phải bảo đảm được chỗ ăn ở, nghỉ ngơi cho lực lượng Công an xã trước, sau đó tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất, định hướng đến năm 2030 theo mục tiêu xác định trong Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều Công an cấp xã chưa có trụ sở làm việc độc lập, phải sử dụng chung với UBND, chưa bảo đảm điều kiện về diện tích làm việc; nhiều địa phương cơ sở hạ tầng xuống cấp, chật hẹp không bảo đảm công tác chiến đấu... Cơ sở vật chất, nơi ăn, chỗ nghỉ để đáp ứng yêu cầu trực ban và sinh hoạt hằng ngày của Công an xã còn nhiều khó khăn, đặc biệt là công an các xã vùng sâu, vùng xa.
Chẳng hạn, tại Bắc Ninh, tính đến hết quý III/2023, địa phương này đã bố trí được 384 công an xã chính quy/74 xã, thị trấn, đạt tỉ lệ 5,3 cán bộ/xã, thị trấn. Tuy nhiên, có đến 36 đơn vị công an xã chưa có trụ sở làm việc độc lập, còn sử dụng phòng làm việc trong ủy ban nhân dân. Một số công an xã mới chỉ được trang bị từ 1 đến 3 máy tính nên đôi lúc việc giải quyết các thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn. Các phương tiện nghiệp vụ khác như xe mô tô phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, vật tư, thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác bảo đảm ANTT cơ sở còn thiếu thốn.
Phát biểu về những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thượng tá Nguyễn Viết Hùng - Trưởng Công an xã Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết: “Khi về công tác tại địa bàn xã, Công an xã Phù Lãng đã được cấp ủy, chính quyền, Ủy ban nhân dân tỉnh và Nhân dân trên địa bàn rất quan tâm, tạo điều kiện. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác của Công an xã còn nhiều thiếu thốn, chưa có sự đồng bộ”.
Hiện nay, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn cả nước mặc dù được kiềm chế nhưng phát sinh nhiều loại tội phạm với phương thức thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, xảo quyệt. Trong khi đó, lực lượng Công an xã chính quy mặc dù đã được đào tạo bài bản nhưng cần thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, đặc biệt về nghiệp vụ và công nghệ thông tin để đáp ứng với thực tiễn phòng, chống tội phạm trên địa bàn. Tuy nhiên, với số lượng công an chính quy trên địa bàn các xã như hiện tại, việc bố trí để cán bộ, chiến sĩ đi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ là hết sức khó khăn.
Trang bị cơ sở vật chất, nhà đất, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, công tác của Công an xã và trang bị đầy đủ công cụ, phương tiện và các trang thiết bị phục vụ công tác cùng với việc tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ Công an xã cần được thực hiện bài bản, nhằm bảo đảm lực lượng này đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, hiện đại trong tình hình mới.
Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy đã khẩn trương thực hiện phương châm: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để rà soát, phát hiện những người đã nhập cảnh nhưng chưa được cách ly; lập danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người mắc bệnh để phân loại, sàng lọc, kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền áp dụng biện pháp cách ly phù hợp. Sự thành công của chiến dịch Dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp căn cước công dân có gắn chíp có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của lực lượng Công an cơ sở, trong đó có lực lượng Công an xã chính quy.