Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Có người nước ngoài lợi dụng nuôi dưỡng để xâm hại trẻ em

(PLO) - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết như vậy khi tham gia giải trình tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của QH đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung chiều nay (4/6).
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong số 682 vụ xâm hại trẻ em xảy ra trong 5 tháng đầu năm 2018 có 84% số việc là xâm hại tình dục trẻ em. Theo Bộ trưởng Lâm, số vụ xâm hại tình dục trẻ em trong 5 tháng đầu năm 2018 giảm gần 8% so với cùng kỳ nhưng diễn biến của hành vi xâm hại tình dục trẻ em hiện rất phức tạp.

“Không chỉ trẻ em gái mà cả trẻ em trai cũng bị xâm hại tình dục và không chỉ đối tượng người Việt Nam mà thậm chí có cả đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam để có những hành vi phạm tội này tại Việt Nam. Thậm chí có người nước ngoài vào lợi dụng những quan hệ nuôi dưỡng trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại”, Bộ trưởng Lâm cho hay.

Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ ra một số nguyên nhân của tình trạng trên cũng như nguyên nhân dẫn tới việc đấu tranh, ngăn chặn còn hạn chế, trong đó có việc tố cáo, trình báo tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường chậm, dẫn tới việc điều tra, thu thập chứng cứ… gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các nạn nhân và gia đình không tố giác, không hợp tác điều tra…

Trong các phương hướng chỉ đạo nhằm góp phần ngăn chặn, hạn chế các vụ xâm hại thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị có quy trình điều tra, xét xử đặc biệt để tạo điều kiện cho việc điều tra, xét xử kịp thời hơn.

Cũng tham gia giải trình tại phiên họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, chúng ta đã khởi tố 701 vụ, truy tố 753 vụ xâm hại trẻ em. 805 bị can đã bị truy tố và đã đưa ra xét xử 648 vụ và 690 bị can. 

Về quy định của pháp luật, theo ông Trí, trong Luật Trẻ em 2015, Bộ Luật hình sự sửa đổi 2015 và Luật Tố tụng hình sự 2015 và cả Luật Dân sự đều có những chương quy định rõ các điều khoản để bảo vệ các quyền của trẻ em. 

Theo ông Trí, pháp luật hoàn thiện rồi đòi hỏi phải có sự đồng bộ trong việc thực thi pháp luật.

“Như ĐB nói có 17 cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề này nên việc phối hợp là hết sức quan trọng. Sắp tới các cơ quan có lẽ phải cân nhắc về “nhạc trưởng” của sự phối hợp này trong công tác phòng, phát hiện, xử lý vấn đề này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, ông Trí nói.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết thêm rằng, trong tháng 12/2017, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã cùng 1 số bộ ngành khác xây dựng và ban hành thông tư liên tịch 01 về phối hợp để xử lý tiếp nhận tin báo tố giác và kiến nghị khởi tố đối với các hành vi phạm tội, đặc biệt có tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đang chủ trì cùng với Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật Tố tụng hình sự 2015 trong việc xử lý các trường hợp đối tượng tham gia tố tụng dưới 18 tuổi. 

“Dự thảo thông tư đã hoàn thành với 20 điều, đang chờ ý kiến cuối cùng của Hội đồng thẩm phán tối cao và đầu quý 3 này có thể ban hành được. Đây sẽ là cơ sở pháp lý trong việc phối hợp để đảm bảo đồng bộ của hệ thống cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án trong việc thực thi nhiệm vụ khởi tố, điều tra, xét xử đối với loại tội phạm này”, ông Trí cho hay.

Về phía tòa án, Chánh án tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin, theo thống kê, từ 2013-2017, tòa án đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, bao gồm 5 tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999.

Trong đó, số vụ trả hồ sơ là 549 vụ, bằng 6%. Các vụ xét xử đúng người đúng tội đạt khoảng 93%, tương đương hơn 7.600 vụ. Dù số vụ phải trả hồ sơ, hủy sửa không nhiều nhưng gây bức xúc trong xã hội như các vụ việc được nêu thời gian qua. 

Về giải pháp để giảm số vụ trả hồ sơ, hủy sửa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã có thông tư yêu cầu tòa án địa phương, trong đó có các tòa án cấp huyện đủ điều kiện hình thành tòa chuyên trách về hôn nhân gia đình và vị thành niên. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai mô hình phòng xét xử thân thiện dành cho trẻ vị thành niên ở ở một số địa phương và trong năm nay sẽ triển khai trên toàn quốc. Theo mô hình này, đối với những vụ xâm hại tình dục thì có thể xử kín, người bị hại không phải ra tòa, thậm chí thẩm vấn qua micro để đảm bảo ổn định tâm lý./.

Đọc thêm