Dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng): Chín năm “treo” sinh kế hàng ngàn hộ dân

(PLO) - Đất đai, nhà cửa lẫn vườn tược đã kiểm kê hơn chín năm trước, nhưng đến nay, cả ngàn hộ dân sinh sống tại phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) vẫn chịu cảnh “đi không được, ở cũng không xong”. Nguyên nhân chỉ vì dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn bao năm “vẽ” ra vẫn nằm trên giấy, “treo” dài dài…
Một số ngôi nhà bị bỏ hoang cạnh ngọn núi Kim Sơn, bị ảnh hưởng bởi dự án.
Một số ngôi nhà bị bỏ hoang cạnh ngọn núi Kim Sơn, bị ảnh hưởng bởi dự án.

“Hoành tráng” trên giấy 

Từ năm 2009, UBND Đà Nẵng đã có Quyết định số 4064/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Vị trí quy hoạch thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Hình thái không gian Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn được cấu trúc theo ý tưởng kết nối năm ngọn núi của Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ Sơn) với sông Cổ Cò và Biển Đông.

Quy hoạch sử dụng đất được chia làm nhiều khu chức năng khác nhau. Đi cùng với đó là tái cấu trúc không gian làng đá mỹ nghệ Non Nước; hình thành Bảo tàng đá duy nhất tại Việt Nam; hình thành Công viên truyền thuyết Ngũ Hành Sơn; kiến tạo lễ hội Quán Thế Âm lên tầm quốc gia; kết hợp xây dựng Làng hành hương và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn là một trong những dự án văn hóa “đình đám” nhất của Đà Nẵng. Gọi “đình đám”, bởi ngoài ý tưởng, còn có tổng diện tích hơn 1,1 triệu m2. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 2.000 tỷ đồng. Để tạo mặt bằng thu hút nhà đầu tư, TP thực hiện giải tỏa đền bù cho hơn 2,1 ngàn hồ sơ đất thổ cư và nông nghiệp. Hiện tại, gần 700 hồ sơ đã được giải tỏa đền bù, còn lại hơn 1,4 ngàn hồ sơ với chi phí đền bù dự kiến khoảng 513 tỷ đồng, nhu cầu tái định cư khoảng 1,7 ngàn lô đang được thực hiện đến năm 2022.

Ông Huỳnh Văn Hùng chia sẻ, đây không chỉ là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử tự nhiên, mà khi xây dựng sẽ tạo lập bản sắc riêng, một sản phẩm du lịch đẳng cấp, độc đáo của Đà Nẵng. Ở góc độ kinh tế, dự án rất khả thi trong việc giúp chủ đầu tư thu hồi vốn vì vị trí nằm giữa Đà Nẵng - Hội An, bên tuyến đường du lịch biển nhộn nhịp. Riêng tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm cạnh hiện nay, mỗi năm đã thu về khoảng 60 tỷ đồng…

Triển vọng là vậy, nhưng ông Hùng cũng thừa nhận, không hiểu sao Dự án mời gọi mãi cũng chẳng nhà đầu tư nào quan tâm. Ông Hùng tiết lộ, dự án được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư của TP, được mời chào tại nhiều diễn đàn xúc tiến đầu tư. Thậm chí, năm 2016, đích thân lãnh đạo Đà Nẵng đã vào TP HCM làm việc với chủ đầu tư khu Suối Tiên, đem dự án ra trình bày, mời gọi. Có đơn vị nói sẽ cử người ra tiếp xúc, nghiên cứu, rồi sau đó cũng không có phản hồi gì.

Đến ngày 26/7/2016, UBND thành phố lại có Quyết định phê duyệt sơ đồ ranh giới điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất Khu Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn và giao Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất quy hoạch, làm cơ sở nghiên cứu lập Dự án xây dựng Khu Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn để triển khai công tác đấu thầu dự án. Tuy nhiên, theo ông Lê Tự Gia Thạnh, Viện trưởng Viện Quy hoạch thành phố, đến nay công tác quy hoạch vẫn “chưa đâu vào đâu”.

Dân “kêu trời” nhiều năm 

Cũng chính vì thế, viễn cảnh một công viên văn hoá lịch sử hoàng tráng đến nay có lẽ đã không còn. Thay vào đó, gần cả ngàn hộ dân thuộc diện giải toả “treo” sinh sống ngay bên cạnh chân ngọn núi Kim Sơn đang khốn khổ vì “đi không được, ở chẳng xong”. 

Ông Huỳnh Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Hoà Hải cho biết, để có kế sinh nhai qua ngày gần 10 năm nay, những hộ dân nơi đây phải bám víu vào số diện tích đất bị bỏ hoang để cải tạo trồng rau. Số hộ còn lại đành đến nơi khác làm công nhân, phụ hồ… Đi dọc các tuyến đường bê tông lẫn cát sỏi vào khu dân cư cạnh chân núi Kim Sơn những ngày này, không khó để bắt gặp nhiều dãy nhà cấp bốn nằm san sát đã xuống cấp hay bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Đứng trước ngôi nhà lợp bằng mái tôn cũ kỹ, lỗ chỗ vết thủng, ông Trịnh Văn Công (70 tuổi, ngụ khối Sơn Thuỷ) than vãn: “Cả bốn bức tường cấp bốn trong nhà đều đã nứt dọc, nứt ngang. Tháng trước, con trai tôi viết đơn gửi lên phường, mong được sửa chữa lại mảng tường vì lo sợ bị sập, nhưng cán bộ từ chối “nhà đã kiểm định không thể làm gì hết”.

Ông Công kể, thời điểm năm 2009, hộ ông được kiểm kê toàn bộ diện tích đất, nhà cửa lẫn vườn tược để phục vụ triển khai dự án. Theo bảng tính giá trị đền bù, ông có hơn 500 triệu đồng, nhưng đã hơn chín năm qua vẫn chưa nhận được đồng nào. 

Ông Công nói thêm, hiện chỉ có chưa tới 10% số hộ dân may mắn được nhận đủ tiền đền bù lẫn đất tái định cư để đi nơi khác, khoảng 30% rơi vào trường hợp nhận được tiền nhưng chưa nhận được đất tái định cư (TĐC). Số còn lại chưa nhận tiền cả đất TĐC luôn, đành cố bám trụ ở chốn cũ này như ông. “Sống ở một thành phố lớn, lại cạnh danh thắng cấp Quốc gia (danh thắng Ngũ Hành Sơn- PV) mà nhà cửa như ổ chuột, đường xá lại không có tên, số nhà”, ông Công than thở.

Phản hồi thắc mắc của dân, ông Huỳnh Quang Trung trả lời, theo quy định, tại những khu vực giải toả, dân không được phép xây dựng. Đối với những hộ dân đã được kiểm kê đất và nhà cửa, vì còn ở và sinh hoạt hàng ngày nên vấn phải đóng thuế đất hàng năm theo quy định.

Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, trước mắt, trong năm 2018 quận tiếp tục vận động giải tỏa hết 44 hộ dân nằm ở khu vực phía bắc đường Huyền Trân Công Chúa (dưới chân núi Thủy Sơn) về bố trí tại khu tái định cư H1.3 phường Hòa Hải. Phần còn lại, sẽ cố gắng “gỡ tiếp”. 

Đọc thêm