Thành lập Tổ biên tập, không chạy thành tích
Phát biểu khi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc Bộ xóa bỏ được 675 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong tổng số 1.216 ĐKKD do Bộ quản lý là kết quả làm việc quyết liệt . Tuy nhiên, đây chưa phải là những ĐKKD cuối cùng, còn phải rà soát thêm theo tinh thần công khai, minh bạch. “Không thể chạy theo thành tích, phải tháo gỡ khó khăn cho DN bằng mọi giá, đảm bảo yêu cầu hiệu quả cho đất nước trong thời buổi hội nhập” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi là bộ đi đầu về cải cách hành chính với quyết định Quyết định 3610a/QĐ-BCT mang tính lịch sử, cắt giảm 675/1220 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Nhưng không dừng ở những chủ trương chung, ngay sau khi có quyết định này ngày 20-9, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai một loạt văn bản cụ thể hóa.
Ngày 21-9, để cụ thể hóa chủ trương đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư 18/2017/TT-BCT bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.
Một việc quan trọng hơn để triển khai Quyết định 3610a/QĐ-BCT, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 3696/QĐ-BCT ngày 26-9-2017 về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Ban soạn thảo, Tổ biên tập có trách nhiệm rà soát nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh đã được đề xuất bãi bỏ tại Quyết định 3610a/QĐ-BCT liên quan đến quy định của các Luật, Nghị định của Chính phủ nhằm mục tiêu đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Qua phản ánh của một số cơ quan báo chí về một số lỗi trùng lặp trong các điều kiện đầu tư, kinh doanh được đề xuất cắt giảm theo Phụ lục Quyết định 3610a/QĐ-BCT (liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thực phẩm), Bộ Công Thương khẳng định vẫn quyết tâm cắt giảm các điều kiện này theo các nguyên tắc đã được nêu rất rõ ràng tại điều 2 của Quyết định 3610a.
Theo đó, nguyên tắc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh: Chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh. Việc xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014. Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện.Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.
Kinh doanh khí được hưởng lợi
Đối với lĩnh vực kinh doanh khí, Bộ Công Thương đã soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét. Quá trình xây dựng Nghị định được tiến hành rất nhanh chóng chỉ từ ngày 6-2-2017 đến nay. Tính đến thời điểm này, dự thảo Nghị định kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19 đã qua hết các bước thẩm định và sẽ được trình lên Chính phủ trong một vài ngày tới. Việc quản lý hoạt động kinh doanh khí sẽ theo hướng tập trung vào các yêu cầu liên quan đến an toàn đối với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời là cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác hậu kiểm trong lĩnh vực này và mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Dự thảo Nghị định đã đơn giản hóa và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh về quy mô tối thiểu, quy định về sở hữu cơ sở vật chất, quy định bắt buộc phải thiết lập hệ thống phân phối; các thủ tục hành chính còn nhiều và rườm rà. Đặc biệt, các quy định của Nghị định này về điều kiện kinh doanh khí (điều kiện thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG, điều kiện thương nhân phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí, về thiết lập hệ thống phân phối...) đang là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp, không còn phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP. Dự thảo nghị định quy định các điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận kinh doanh khí với nhiều điều kiện thuận lợi.
Các bộ ngành khác cần noi theo
Làm việc với Bộ Công Thương sáng 22-9, đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ khen ngợi Bộ Công Thương đi đầu về cải tổ, sắp xếp bộ máy và cắt giảm các thủ tục điều kiện kinh doanh phiền hà cho dân.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khen ngợi, đánh giá rất cao chủ trương này. PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá quyết định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “gây sửng sốt” vì “không ngờ bộ trưởng còn cắt mạnh tay hơn”. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), người đề xuất cắt bỏ hơn 2.000 điều kiện KD tỏ ra vui mừng và nhận xét: “Phải có sự hy sinh, quyết tâm lắm, Bộ Công Thương mới làm được như vậy. Tôi khẳng định đây là tín hiệu rất mới, chưa từng có khi một bộ tự cắt giảm điều kiện kinh doanh. Tín hiệu đáng mừng này khiến chúng ta nhìn ra con đường thấy được tăng trưởng sắp tới. Đây là hiện tượng mới nên cổ vũ, nhân rộng”.
“Đây có thể xem là tấm gương cho ai đó nếu muốn làm, nhưng cũng có thể là “áp lực” cho ai đó nếu như họ chần chừ, tính toán. Người ta sẽ đặt câu hỏi "ông này"-(Bộ Công Thương) làm được, tại sao bộ kia không làm được?”-TS Nguyễn Đình Cung đánh giá.
Có thể nói chủ trương, cách làm của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về cải cách thủ tục hành chính đang được dư luận xã hội hoan nghênh, đồng tình, coi như một tấm gương về đạo đức công vụ. Hi vọng rằng tinh thần ấy sẽ được lan tỏa trong nhiều bộ ngành và toàn xã hội.