Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: “Đưa kinh tế tri thức vào những cánh đồng”

(PLVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn”.
Đưa kinh tế tri thức vào những cánh đồng để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Ảnh minh họa

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đã đến lúc kinh tế tri thức phải được đưa vào những cánh đồng và nhà máy. Sự “mù mờ” như hiện nay đã và đang ảnh hưởng đến mối quan hệ cung - cầu. Người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường mù mờ về sản xuất, nền nông nghiệp mù mờ như vậy sẽ dẫn đến hệ quả phải “giải cứu”.

Theo ông Hoan, nền nông nghiệp cần phải được minh bạch dữ liệu thông tin để vươn xa hơn. Minh bạch cũng là thương hiệu của nền nông nghiệp có trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, áp dụng chuyển đổi số, “nông dân số” sẽ không phải “trông trời, trông đất, trông mây” để sản xuất theo cách truyền thống mà có thể trông vào dữ liệu để có kế hoạch sản xuất phù hợp. “Nông dân không chỉ mua vật tư nông nghiệp mà còn mua cả dữ liệu”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, áp dụng chuyển đổi số, có thể cho phép nông dân bán nhiều thứ chứ không chỉ bán sản phẩm nông sản đơn thuần: “Chuyển đổi số cho phép nông dân bán cả sự trải nghiệm. Trước đây, bà con mang buồng chuối ra chợ bán trực tiếp cho người mua. Nhưng khi áp dụng công nghệ số, vườn chuối được kết nối trên mạng thì người nông dân có thể bán cho người mua cả một quy trình chăm sóc, bán cây chuối ngay từ khi còn nhỏ để người mua có thể giám sát quy trình chăm sóc”.

“Chuyển đổi số còn cho phép so sánh giá ở nhiều nơi. Làm được việc này sẽ không còn ép giá. Chuyển đổi số sẽ tạo nền tảng cho phép nông dân và các ngành hàng kết nối với nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Chúng ta có thể kết nối 9 triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, gắn với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới”, ông Dũng nói.

Đọc thêm