Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: “Muốn ngành Tư pháp mạnh lên, mỗi cán bộ Tư pháp cần ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình“

(PLVN) - Khi vòng quay 365 ngày của một năm sắp kết thúc, khi mỗi người dù ở đâu trên mọi miền đất nước cũng hối hả chuẩn bị trở về vui Tết đoàn viên, thì với Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, bàn làm việc của ông vẫn luôn sáng đèn. Để rồi khi những giờ khắc cuối cùng của năm cũ trôi qua ông mới rời nhiệm sở mà lòng vẫn ngổn ngang những trăn trở, dự định về ngành, về nghề, về con người Tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Ghi nhận xứng đáng

Gần 30 năm gắn bó với ngành Tư pháp và là năm thứ 4 trên cương vị người đứng đầu, nhưng nói về công việc, Bộ trưởng Lê Thành Long luôn say sưa không dứt. Với ông, chỉ cần hai chữ “Tư pháp” đã gợi bao cảm xúc và nhiệt huyết như buổi ban đầu.

Ông nhớ lại, năm 2017, ngành Tư pháp bắt đầu đi tìm lời giải cho câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ, là làm thế nào để Bộ, ngành Tư pháp mạnh hơn, trong khi tinh giản biên chế, nguồn lực khó khăn, công việc ngày càng nhiều, phức tạp, nhạy cảm để kịp thời chuyển mình cùng Chính phủ hành động, phục vụ nhân dân.

Vinh dự đi cùng với trách nhiệm. Sau nhiều trăn trở của lãnh đạo Bộ, hàng loạt giải pháp được đưa ra để tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành ngày càng quyết liệt hơn, sâu sát hơn; thứ tự ưu tiên trong giải quyết các công việc bảo đảm trọng tâm, trọng điểm.

Bộ trưởng nói, ông luôn thấm nhuần sâu sắc điều mà Thủ tướng nhắc nhở nhiều lần, trên nhiều diễn đàn “thể chế tốt mới phát triển tốt”. Bởi vậy, một trong những lĩnh vực mà ông, Bộ, ngành Tư pháp dành nhiều tâm sức chính là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế. Một thể chế mà theo thông điệp từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch; gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, phát huy mạnh mẽ dân chủ cùng với “Thượng tôn pháp luật”. Tại Nghị quyết 01 ngày 1/1/2018 của Chính phủ, đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần “Thượng tôn pháp luật” cũng là một trong 3 đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện quyết liệt. Ngành Tư pháp đã bám sát chỉ đạo này để hành động, nỗ lực và đạt những kết quả xứng đáng được ghi nhận, biểu dương.

Chuyển biến tích cực trong công tác hoàn thiện thể chế thể hiện ở tất cả các khâu: Tiến độ xây dựng và chất lượng văn bản được bảo đảm, ngày càng khả thi, phù hợp hơn với cuộc sống; tình trạng nợ đọng văn bản giảm đến mức tối đa, số lượng năm sau ít hơn năm trước; qua công tác thẩm định, Bộ Tư pháp đã thể hiện rõ ràng và dứt khoát hơn quan điểm của mình. Nhờ đó, hầu hết các dự án do Chính phủ trình đều được thông qua với tỷ lệ Đại biểu Quốc hội tán thành cao.

Những kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế của xây dựng thể chế, một lần nữa rõ nét hơn tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhóm vấn đề liên quan đến giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã được lựa chọn để thí điểm “chất vấn và trả lời chất vấn ngay” đối với các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Lê Thành Long là người đầu tiên trả lời chất vấn theo hình thức mới. Qua kênh truyền hình trực tiếp, với sự theo dõi của đồng bào, cử tri cả nước, phần trả lời của Bộ trưởng được đánh giá cao. Sau phiên chất vấn, Bộ Tư pháp cũng đã kịp thời hướng dẫn các Bộ ngành khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác văn bản, nhờ đó chất lượng văn bản được nâng lên rõ rệt.

Bộ trưởng Lê Thành Long làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai
Bộ trưởng Lê Thành Long làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai

Ngoài hoàn thiện pháp luật,  năm 2018, Bộ đã tập trung vào việc tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2018 là điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; y tế; lao động - thương binh và xã hội… tại 14 cơ quan, địa phương để kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện pháp luật, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị.

Năm 2018, nhìn bức tranh với gam màu sáng đều trên tất cả các lĩnh vực thuộc quản lý của Ngành, từ công tác văn bản, thi hành án dân sự, phổ biến pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp đến cải cách hành chính, xã hội hóa nghề tư pháp… tạo thuận lợi cho người dân, Bộ trưởng Lê Thành Long không giấu được niềm vui, tự hào. Kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ “làm sao đưa ngành Tư pháp mạnh lên” dần được hiện thực hóa.

Với những nỗ lực của Bộ,  ngành Tư pháp trong năm 2018 và hơn nửa nhiệm kỳ qua phần nào đã được ghi nhận, đánh giá thông qua kết quả tín nhiệm cao của Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố đối với người đứng đầu ngành Tư pháp ở Trung ương và địa phương.

Trăn trở “bài toán” nguồn lực

Năm 2018 trôi qua, tư pháp địa phương chứng kiến cảnh đi lại như con thoi giữa các miền của vị Bộ trưởng tâm huyết. Người ta nhìn thấy ở ông, Tư lệnh ngành Tư pháp không chỉ là sự nhanh nhạy, quyết đoán trong xử lý công việc kịp thời, mà còn tìm thấy ở người thuyền trưởng của mình sự gần gũi, tình cảm. Khi ông đến tận những nơi vùng sâu, vùng xa, vào tận nơi ở, mục sở thị bếp ăn của anh em cán bộ ở Mường Lát, Thanh Hóa, hay ở Điện Biên, Lai Châu… Ông cũng là người biến những cuộc làm việc nặng nề trở nên nhẹ nhõm bằng sự dí dỏm, hài hước thường thấy.

Bộ trưởng Lê Thành Long thăm lực lượng vũ trang trên địa bàn xã Thổ Châu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
Bộ trưởng Lê Thành Long thăm lực lượng vũ trang trên địa bàn xã Thổ Châu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Những chuyến đi cơ sở cho ông cái nhìn sinh động hơn về những thành quả mà cả bộ máy tư pháp, thi hành án dân sự địa phương đã làm được, và qua đó cũng nhận diện rõ những khó khăn, vất vả của anh em cơ sở. Chia sẻ, động viên với anh em, và hơn cả là sau mỗi chuyến đi ông luôn trăn trở: Làm thế nào để tháo những “nút thắt” về cơ chế, trong điều kiện ngành còn nhiều khó khăn. Để từ đó, nhiều quyết sách được đưa ra phù hợp với điều kiện từng thời điểm, từng địa phương.

Bộ trưởng thường nhắc nhở anh em Tư pháp cần chủ động, tích cực tham gia và tham mưu sâu đối với các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; linh hoạt hơn trong việc phản ứng chính sách, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực thi thể chế, tuân thủ và vận dụng đúng pháp luật nhưng cũng không để pháp luật, thể chế là rào cản cho sự phát triển.

Năm 2018, mặc dù việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Ngành được tập trung thực hiện theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương và Nghị định số 96/2017/NĐ-CP với thuận lợi là cán bộ Bộ Tư pháp được đào tạo bài bản, năng lực, nhiệt huyết. Tuy nhiên, có một thực tế là đội ngũ làm công tác Tư pháp cả ở Trung ương và địa phương đang giảm, đặc biệt là cấp huyện và pháp chế chuyên trách ở địa phương. Công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã thường xuyên biến động.

Còn đối với hệ thống thi hành án dân sự, dù đạt những kết quả rất đáng ghi nhận, thi hành xong gần 550.000 việc và trên 35.200 tỷ đồng; công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã đạt nhiều kết quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cũng như đội ngũ cán bộ Tư pháp cơ sở, với đội ngũ cán bộ thi hành án, điều Bộ trưởng lo ngại khi có những địa phương mỗi chấp hành viên phải “gánh” đến 400 - 500 việc; giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. Quá tải trong công việc dẫn đến tình trạng án chuyển kỳ sau rất lớn. Rồi tình trạng vi phạm của chấp hành viên; tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức chưa chấp hành nghiêm bản án hành chính… Tất cả những câu chuyện đó đặt lên vai người đứng đầu cơ quan thi hành án dân sự địa phương những trách nhiệm hết sức nặng nề.

Vì thế, Bộ trưởng luôn đề nghị lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu; quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, thường xuyên trực tiếp kiểm tra, giám sát chấp hành viên tổ chức thi hành án. Các cơ quan thi hành án dân sự phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong chuyên môn nghiệp vụ, khen thưởng, động viên kịp thời những mô hình hay sáng kiến tốt.

Dù có nhiều chuyển động tích cực trong công tác Tư pháp 2018, nhưng điều làm Bộ trưởng Tư pháp trăn trở là việc bảo đảm tính đồng bộ và không vướng lẫn nhau giữa các văn bản trong hệ thống pháp luật còn là thách thức lớn; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để; việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp vẫn còn có sai sót, tiêu cực; Quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp ở một số địa phương chưa chặt chẽ, có việc còn lúng túng. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp ở địa phương chưa thống nhất. Công tác pháp chế ở nhiều địa phương chưa phát huy tốt vai trò. Đặc biệt, sự quan tâm và đầu tư nguồn lực của một số bộ, ngành, địa phương đối với công tác xây dựng thể chế, công tác tư pháp chưa tương xứng với đòi hỏi thực tế.

Bộ trưởng trao quà cho học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tam Chung, Mường Lát, Thanh Hóa
Bộ trưởng trao quà cho học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tam Chung, Mường Lát, Thanh Hóa

Giải bài toán về nguồn lực, Bộ trưởng cho rằng các bộ ngành, địa phương phải nâng cao nhận thức, quan tâm nhiều hơn đến công tác pháp chế, kiện toàn bộ máy, năng lực, kinh phí cho cơ quan tư pháp; đặc biệt là chú trọng đầu tư xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ pháp chế mạnh ở cả Trung ương và địa phương. Bộ trưởng cũng nhắn gửi muốn ngành Tư pháp mạnh lên, mỗi cán bộ tư pháp, thi hành án dân sự, cần ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, từ đó nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo hơn trong công việc.

Xác định rõ năm 2019 là năm “bứt phá”, theo sát phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” và các nhóm giải pháp được đề ra trong các Nghị quyết số 01 và 02 ngày 01/01/2019 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; tiếp tục ưu tiên nguồn lực hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ngành. Kịp thời ban hành hoặc đề xuất ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, những quy định còn có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, Ngành. Đồng thời, coi sự ủng hộ nhiều hơn nữa của các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp là điều kiện tiên quyết để công tác tư pháp thành công.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, năm 2019 sẽ là năm toàn Ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đổi mới lề lối làm việc; tiếp tục tạo giá trị gia tăng từ công tác chỉ đạo, điều hành; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong khi giải quyết yêu cầu của người dân, nhất là trong các lĩnh vực thi hành án dân sự, công chứng, đấu giá tài sản, hộ tịch, lý lịch tư pháp.

Một năm mới - Xuân Kỷ Hợi 2019 đang đến rất gần, với tình cảm chân thành, với sự yêu thương, gắn bó sâu sắc, Bộ trưởng gửi lời chúc đến toàn thể cán bộ công chức đã và đang công tác trong ngành Tư pháp một năm mới sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

Đọc thêm