Tại buổi tiếp xúc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé đã thông báo tới cử tri kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp. Quốc hội đã xem xét, thông qua 10 Luật, 21 Nghị quyết, cho ý kiến về 6 Dự án luật; Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về KT - XH, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác…
Cụ thể, các dự án Luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi).
Các Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Thượng mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (ILO); Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Các dự án luật được Quốc hội thông qua gồm: Dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Dự án Luật Cư trú (sửa đổi); Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri Đinh Văn Huy (ấp Hòa Lộc, Châu Thành, Kiên Giang) phản ánh về vấn đề tài nguyên môi trường, rác trên kênh rạch, khu công nghiệp làm ảnh hưởng tới nguồn nước. Do đó, mong ĐBQH lắng nghe, có phương án kịp thời xử lý. Còn cử tri Bùi Văn Khang (ấp Hòa Phước, Châu Thành, Kiên Giang) thắc mắc về vấn đề quy hoạch đất đai, mong ĐBQH xem xét, kiến nghị mức đền bù phù hợp với tình hình của người dân.
Phần lớn các thắc mắc của cử tri đã được Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Huyện Châu Thành – Nguyễn Văn Hoàng trả lời, ghi nhận và cam kết lãnh đạo huyện sẽ kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng huyện thực hiện đúng phạm vi chức năng, nhiệm vụ.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé ghi nhận và khẳng định sẽ kịp thời phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền những ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của cử tri sau kỳ họp Quốc hội thứ 9, khóa XIV. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Kim Bé cũng cho ý kiến cụ thể về một số vấn đề liên q uan tới an ninh trật tự, tài nguyên môi trường, quy hoạch, giao thông vận tải...
Còn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng ghi nhận ý kiến của các cử tri tại buổi tiếp xúc. Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Quốc hội cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật nhằm chấn chỉnh các bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, phát huy tối đa giá trị của đất đai trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Cùng với đó là bảo đảm vấn đề về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường...
Nhân dịp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đã tặng 3 phần quà cho các gia đình chính sách và hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Thạnh Lộc (Châu Thành, Kiên Giang).